KỶ NIỆM 76 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2-9-1945 - 2-9-2021)

​Tháng 9 lịch sử và kỳ vọng đất nước vượt qua đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2021), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Chúng ta như được chứng kiến không khí cả nước từ Lũng Cú cho tới Cà Mau đều lo lắng cho nhau, đoàn kết bên nhau, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch trong đúng những ngày tháng 9 lịch sử này”.

Người Việt càng lúc càng quyết tâm

. Phóng viên: Cảm xúc của ông như thế nào khi ngày lễ Quốc khánh 2-9 năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch?

+ Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Dịch bệnh và sức tàn phá của nó khiến tôi nhớ tới bối cảnh những năm 1944-1945. Việt Nam (VN) đối mặt với nạn đói kéo dài từ tháng 10-1944 đến giữa năm 1945, khiến hơn 2 triệu người chết. Rất nhiều người chịu cảnh màn trời chiếu đất, sống trong trạng thái bất an. Họ vừa chịu sự vơ vét của ngoại xâm, tô thuế nặng nề, lại gặp nạn thiên tai địch họa.

76 năm sau, VN đối diện với đại dịch COVID-19. Đại dịch cũng là “giặc”, là thảm họa. Mức độ nguy hiểm của đại dịch là không thua kém. Virus SARS-CoV-2 với các biến thể khác nhau có tốc độ lây lan kinh khủng, độc lực nguy hiểm, đe dọa sinh mệnh, sinh kế và cả tinh thần của toàn dân. Dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa; “đóng băng” ngành du lịch; gây ra nhiều tranh cãi, hoài nghi không chỉ trong nước mà ở phạm vi toàn cầu.

Tôi thấy đất nước chúng ta trong mấy chục năm qua, bên cạnh những thành quả và phát triển thì luôn đối diện với thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra khiến tôi liên tưởng mạnh mẽ đến những khó khăn của giai đoạn chúng ta giành độc lập và kiến tạo đất nước. VN hiện nay cũng đang trong giai đoạn phải phòng chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân, phục hồi đất nước.

. Bối cảnh đất nước đối mặt thử thách có tương đồng với nhau, đều là “giặc” hay là “dịch”, đã có nhiều người chết và nền kinh tế bị ảnh hưởng. Vậy tinh thần của VN ta suốt mấy chục năm qua có thay đổi khi đứng trước khó khăn?

+ Tôi nghĩ càng lúc người Việt càng quyết tâm hơn khi đối diện với thử thách. Có thể thấy giữa lúc đủ thứ “giặc” hoành hành giai đoạn 1944-1945, một VN tuy còn non trẻ nhưng rất quật cường đã ra đời. Cả dân tộc đã đồng lòng đứng lên giành chính quyền, tự quyết định vận mệnh của đất nước. Chính quyền phá kho thóc Nhật chia cho dân, không để dân đói. Chúng ta động viên tinh thần, ý chí để người dân đồng lòng, quyết tâm giành lấy, bảo vệ và xây dựng nền độc lập ban đầu ấy. Cốt yếu của thành công giai đoạn ấy là chính quyền lo cho dân, dân ủng hộ và chúng ta giành chiến thắng. Nói như Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

VN bây giờ cũng vậy. Chúng ta đã có những chệch choạc ban đầu trong phòng chống dịch đợt này nhưng chúng ta đã đoàn kết và dần nắm thế chủ động. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố đến từng con hẻm, mỗi hộ gia đình và mỗi một người dân... đều khẩn trương “ai làm tốt việc gì thì làm việc nấy”. Tiêm vaccine, chăm sóc F0 cộng đồng, tổ chức an sinh cho người dân, ngày đêm cứu chữa bệnh nhân nặng… đều triển khai quyết liệt.

Nhà nước giúp đỡ người dân về y tế và sinh kế; người dân tuân thủ “ai ở đâu thì ở yên đó”; chính mỗi người dân cũng nâng cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp nhau con cá, bó rau, ký gạo… để vượt qua dịch bệnh. Chúng ta như được chứng kiến không khí cả nước từ Lũng Cú cho tới Cà Mau đều lo lắng cho nhau, đoàn kết bên nhau, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch trong đúng những ngày tháng 9 lịch sử này.

Việt Nam cần củng cố nội lực hơn nữa

. Để thích ứng, sống chung với SARS-CoV-2 mà theo cách nói của ông là “chiến thắng đại dịch” thì VN cần phát huy những thế mạnh nội lực nào?

+ Cách đây gần 20 năm, VN là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được bệnh SARS, cũng là một căn bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp tính nguy hiểm. Bệnh này cũng được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, lan ra tới 26 quốc gia, gây tử vong 8.000 người và bị chặn lại khi xuất hiện ở VN. Hiện chúng ta đang đối mặt với SARS-CoV-2 chưa có thuốc chữa và không được chủ quan.

Những ngày này, nơi nào bùng dịch thì phải ưu tiên “giữ mạng người” bằng mọi cách; nơi nào dịch chưa bùng thì vừa phòng ngừa nhưng phải vừa sản xuất, tạo ra hàng hóa, của cải thì mới có nguồn lực để làm hậu phương vững chắc cho vùng có dịch. Người dân cũng có vai trò “tự quyết” đối với sức khỏe, tính mạng của mình bằng thói quen 5K; đi xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm và tiêm vaccine; ở yên trong nhà theo khuyến cáo; học cách tự chăm sóc bản thân; kết nối với người xung quanh (hàng xóm láng giềng, bác sĩ gia đình, tổ trưởng dân phố…) để cùng nhau phối hợp, tìm tòi các sáng kiến cùng Nhà nước chống dịch.

Ở một góc độ tích cực nào đó, tôi nghĩ SARS-CoV-2 dù mang tới tai họa nhưng nó cũng giúp con người chúng ta tiến bộ hơn. Đại dịch lần này đã buộc VN phải xem xét, cải tổ lại hệ thống quản lý công một cách bài bản, khoa học, nhân văn hơn để có thể ứng phó với thảm họa bất ngờ. Theo đó, Nhà nước cũng cần từng bước điều chỉnh mô hình các hoạt động y tế, cứu trợ, an sinh xã hội, điều tiết chuỗi cung ứng - sản xuất thích ứng với virus SARS-CoV-2.

Chúng ta cần tạo ra sức đề kháng, chống chọi với virus không chỉ nhờ vào (i) chính sách vaccine và hệ thống y tế chữa trị, cấp cứu; mà còn (ii) việc thiết kế lại cuộc sống mới cho toàn xã hội: Từ tập quán đám đông, y tế công cộng, mô hình giáo dục, vui chơi giải trí, mua sắm, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo tín ngưỡng đến việc kết nối thiện nguyện, cứu trợ... đều phải lường trước sự tồn tại của virus SARS-CoV-2.

Thử hình dung trong hơn hai năm qua, nếu chúng ta biến những lời tuyên bố mạnh mẽ về công nghiệp 4.0 thành hiện thực thì giờ đây chúng ta đã có thể tạo ra một ứng dụng quản lý chung các hoạt động đi lại, truy vết, tiêm vaccine, chăm sóc y tế, cứu trợ… cho người dân, thay vì quá nhiều ứng dụng không hiệu quả, mất thời gian như hiện nay. Với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, điều này là khả dĩ. Đó là chưa kể chúng ta có thể dùng máy móc, robot, ứng dụng thông minh để giúp người dân vào những giai đoạn giãn cách khó khăn, như giao hàng, phân phát túi an sinh, túi thuốc cho F0… mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào cơ bắp con người... Đó không phải là khoa học viễn tưởng vì nhiều nước đã áp dụng.

Chiến sĩ Sư đoàn 5 đưa thực phẩm đến tận nhà cho F0 đang điều trị tại nhà
ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Và cả sự ủng hộ quốc tế

. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, tham gia nhiều diễn đàn về luật pháp quốc tế áp dụng trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của “ngoại lực” với công tác phòng chống dịch của VN?

+ Phòng chống dịch thành công thì yếu tố sức mạnh chính sách nội tại là quyết định nhưng vai trò từ quốc tế cũng cực kỳ quan trọng với VN. Ở giai đoạn VN khống chế được dịch, Chính phủ và Bộ Ngoại giao đã “ngoại giao y tế”, hỗ trợ khẩu trang, thiết bị y tế cho các nước khó khăn lúc khẩn cấp, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU, Lào, Campuchia và các nước ASEAN khác. Số lượng có thể không nhiều nhưng đó là tấm lòng chia sẻ lúc hoạn nạn. Vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi mang 1 triệu liều vaccine của chính phủ và nhân dân Mỹ chia sẻ với VN cũng có nhắc lại nghĩa cử đó.

Chúng ta có tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm tổ trưởng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã trực tiếp làm việc với các đối tác, công ty dược để tìm mua vaccine. Các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài tìm mọi cách vận động vaccine cho nhân dân. Chúng ta cũng phải kể đến sự hỗ trợ thiết bị y tế của bà con Việt kiều. Quỹ COVAX đến ngày 24-8 đã chuyển 215 triệu liều vaccine cho 138 nước, trong đó riêng VN đã nhận gần 8,7 triệu liều. Đó là chưa kể các nước ủng hộ và nhượng lại phần vaccine chưa dùng cho VN. Tất cả nói lên nỗ lực của toàn hệ thống chính trị vì người dân với sự chủ động, kiên trì và khôn khéo tận dụng sức mạnh ngoại giao trong phòng chống dịch.

. Xin cám ơn ông.

Tư duy hợp tác quốc tế trong chống dịch

COVID-19 không chia theo các đường biên giới quốc gia, vì vậy để chống dịch thì các nước phải xích lại gần nhau. Không nước nào có thể an toàn khi láng giềng bùng dịch; không nước nào có thể phát triển khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng. Các quốc gia cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác để có thể tạo ra các “vành đai xanh” ở phạm vi khu vực và toàn cầu trong phòng chống dịch. VN và các nước cần tham gia xây dựng công ước quốc tế về phòng chống đại dịch và cải tổ hệ thống bảo vệ sức khỏe thế giới theo hướng tân tiến hơn.

            Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm