Ban Chỉ đạo do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ), tạo thành tuyến đường cao tốc liên tục dài gần 400km đi qua phần lớn các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông đường hàng không, đường sắt, đường biển quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết cả khu vực rộng lớn miền Trung với miền Nam.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 100,3km, chi phí xây dựng dự kiến 757 triệu USD, có điểm kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc điểm cuối nằm trên đường quốc lộ 1A đi Ba Bàu, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Tuyến đường này sẽ cải thiện dòng giao thông phía bắc TP.HCM, giải quyết ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1.
Khi hoàn thiện, dự án sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa TPHCM và các tỉnh lân cận và sẽ được triển khai xây dựng năm 2014 và dự kiến hoàn thành trong 2018. Dự án là cao tốc hạng A, vận tốc thiết kế 120km/g , giai đoạn 1 có 4 làn xe; giai đoạn 2 có 6 làn xe, có 12 cây cầu nhỏ và 3 cầu lớn, 10 cầu vượt với độ dài 844m; Cầu vượt về khu dân cư có 19 cây với độ dài 1.167 m.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, môi trường, kinh tế xã hội được đặt ra bởi Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam.
PHƯƠNG NAM