Thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn vẫn gặp khó

(PLO)- Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị và tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Những thông tin này được nêu ra tại toạ đàm "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 13-12.

Theo báo cáo của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhìn chung hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị. Tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ này có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, các đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán KDTM đang phải đối mặt với bài toán khó.

Khách mời tham dự toạ đàm "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 13-12. Ảnh: VGP.

Khách mời tham dự toạ đàm "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 13-12. Ảnh: VGP.

Theo vị này, nguyên nhân xuất phát từ thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại của người dân khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Trong khi khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.

Đáng chú ý, cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Trong thời gian tới, NHNN sẽ trình các bộ ngành liên quan để trình các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank, việc triển khai đồng bộ thanh toán KDTM tới người ở vùng nông thôn, hải đảo chỉ là vấn đề về thời gian.

“Việc mở tài khoản thanh toán hay sử dụng ví thanh toán hay mobile money gần đây rất thuận lợi, dễ dàng. Và lợi ích mang đến cho người dân thì những vùng nông thôn đều cảm nhận được, đó là tiện ích về thời gian, về tiết kiệm chi phí và đi lại vì vùng nông thôn vốn có nhiều bất tiện hơn so với khu vực thành thị”, ông Tâm cho biết thêm.

Ông Tâm cho biết, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động trong vấn đề đi đầu thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, để xây dựng giải pháp tăng cường thanh toán KDTM tại vùng sâu vùng xa, ông Tâm cho rằng, các ngân hàng cũng như các thành phần tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán khác cần có sự vươn mình hơn nữa. Đặc biệt là phải phát triển hệ sinh thái thanh toán rộng hơn, để làm sao phát triển được thêm ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất.

Bên cạnh đó, ông Tâm cũng đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay NHNN đang tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán KDTM, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.

Với nội dung đại lý thanh toán, dự kiến NHNN sẽ xem xét để có khả năng tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chính thức triển khai.

Đại diện NHNN cũng chia sẻ, nhiều ngân hàng đã phối hợp với C06 (Bộ Công an) thử nghiệm thành công các giải pháp xác thực người dùng thông qua căn cước công dân gắn chíp; định danh khách hàng từ xa qua mạng internet để mở tài khoản; xác thực định danh khách hàng giao dịch tại ATM.

"Đây là thay đổi, cải tiến rất đáng kể. Trước đây, khách muốn rút tiền ở ATM thì phải có thẻ ATM. Tuy nhiên ngày nay, khách không cần thẻ ATM, có thể sử dụng CCCD gắn chíp để rút tiền tại ATM mà không cần ra ngân hàng. Việc này nâng độ an ninh, bảo mật cho người dùng cao hơn trước rất nhiều", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm