Tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng giai đoạn năm 2001-2015 tại Ban Quản lí Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Grai (trụ sở xã Ia O, huyện Ia Grai).
Trụ sở BQLRPH Ia Grai
Theo đó, BQLRPH Ia Grai được giao trồng rừng vào các năm 2002, 2003, 2004, 2005 và 2010. Trong đó, năm 2002 được giao trồng 31 ha muồng đen và keo lá tràm, mật độ 1.600 cây/ha. Năm 2003, trồng 100 ha sao đen, mật độ 1.000 cây/ha. Năm 2004 trồng 120 ha muồng đen, mật độ 1.000 cây/ha. Năm 2005, trồng 80 ha sao đen, mật độ 1.000 cây/ha và năm 2010 là trồng 123,5 ha keo lá tràm, mật độ 1.600 cây/ha.
Sau khi kiểm kê rừng trồng của năm 2002, cơ quan chức năng phát hiện BQLRPH Ia Grai chỉ còn 13,7 ha (mất 17,3 ha). Năm 2003 chỉ còn 43,4 ha (mất 56,7 ha). Năm 2004 còn 33,6 ha (mất 86,4 ha). Năm 2005, được giao 80 ha nhưng không còn ha nào, nghĩa là mất sạch. Riêng năm 2010 thì còn nguyên 123,5 ha, không mất.
Theo tính toán, diện tích rừng trồng theo hồ sơ là 454,5 ha, tuy nhiên BQLRPH Ia Grai đã để mất hơn một nửa, tức 240,5 ha. Còn rừng keo năm 2010, diện tích trồng đã bị thực bì (tre) phát triển cao, xâm lấn gần hết cây trồng chính. Vì vậy mật độ trung bình chỉ còn 45-50 cây/ha thay vì mật độ 1.600 cây/ha.
Rừng do BQLRPH Ia Grai quản lí bị người dân chiếm dụng
Diện tích rừng bị mất được báo cáo do người dân lấn chiếm để trồng mỳ, điều nhưng thời gian qua, đơn vị này không thống kê, báo cáo hàng năm về tình trạng lấn chiếm rừng. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng không được cấp ngân sách nên không có kinh phí chăm sóc dẫn đến rừng bị chết. Tuy nhiên, có người tố cáo BQLRPH Ia Grai không trồng rừng, nhưng vẫn quyết toán để chiếm dụng ngân sách.
Ông Lê Tiến Hiệp - Trưởng BQLRPH Ia Grai cho biết việc để mất rừng xảy ra ở nhiệm kỳ trước. "Việc để mất rừng, rõ ràng hiệu quả dự án đã không đạt như kế hoạch. Việc đúng, sai thế nào, trách nhiệm thuộc về ai thì phải chờ kết luận của cơ quan thanh tra", ông Hiệp giải thích.