Thanh tra đột xuất phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng

(PLO)- Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận hiện nay vẫn còn hiện tượng cán bộ thanh tra rất dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra nên thời gian tới ngành sẽ sửa đổi một số quy định cho chặt chẽ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vào sáng 5-11, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra đã tự mình chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan đến các vụ việc tham nhũng ở trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao ?”.

Đoàn thanh tra không được nhận quà của đối tượng thanh tra

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết thanh tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ và Thủ tướng.

Căn cứ vào chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, chuyển nhiều hồ sơ sai phạm của cán bộ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo thẩm quyền.

ĐB Lê Thanh Vân chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.

ĐB Lê Thanh Vân chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.

Điển hình là vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, dự án nhiệt điện Thái Bình 2, gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại Công ty cổ phần VNPharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit, vaccine xét nghiệm.

“Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất” - ông Phong khẳng định.

Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), trong thực tiễn, qua thanh tra phát hiện những vụ việc tiêu cực. Ông đề nghị Tổng thanh tra nói rõ hơn về cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, giám sát.

Cùng vấn đề, ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết thêm quan điểm nhìn nhận, đánh giá của mình về số lượng, chất lượng, đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay.

Cho rằng trong luật chưa quy định thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ thông tin trên thực tế, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì ngành vẫn thực hiện thanh tra hoạt động của đoàn thanh tra. Chẳng hạn vừa qua Bộ Công an có một số vụ việc báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao ngành thanh tra tiến hành thanh tra lại.

Ông Phong cũng khẳng định cơ bản cán bộ, công chức, người lao động của ngành thanh tra chấp hành tốt các quy định của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật về đạo đức công vụ.

Tuy nhiên, ông thừa nhận có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra vi phạm, điển hình như vụ thanh tra ở Bộ Xây dựng, sự cố đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Phong cho biết ngành đã có nhiều giải pháp để nâng chất lượng cán bộ. Chẳng hạn việc ban hành năm chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở.

Đặc biệt tháng 7 vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 của Ban Cán sự đảng Chính phủ quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra, trong đó có quy định về trách nhiệm và những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm...

Chẳng hạn như đoàn thanh tra không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra hay giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với đối tượng thanh tra; không được bỏ lọt, bỏ sót những vi phạm mà phải chuyển cơ quan điều tra.

“Nhân buổi chất vấn này, tôi cũng mong rằng các ĐB Quốc hội cũng như cử tri cả nước giúp cho ngành thanh tra giám sát đối với cán bộ của các đoàn thanh tra khi làm ở các bộ, ngành, địa phương. Nếu phát hiện những sai phạm theo điều cấm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định” - ông Phong nói.

Trong vài tuần tới Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành một quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra, tương tự như quy chế kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành tháng 12-2021 để đề cao trách nhiệm, đồng thời ngăn chặn những sai phạm về đạo đức công vụ trong hoạt động đoàn thanh tra vốn rất nhạy cảm và rất khó khăn.

Tham nhũng vặt xói mòn lòng tin người dân

Đặt vấn đề tình trạng tiêu cực trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhận định đây là hiện tượng tham nhũng vặt - đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.

ĐB cho rằng nguyên nhân chính từ bản chất của mối quan hệ này là khép kín, có lúc là do nhũng nhiễu nhưng cũng có trường hợp là do chủ động tiếp cận để được ưu tiên xử lý hoặc che giấu, hợp thức hóa sai phạm để đôi bên cùng có lợi.

“Tổng Thanh tra nhận diện tình trạng này ra sao, giải pháp nào để thúc đẩy việc phát hiện và xử lý loại hình tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất…” - ĐB Tây Ninh hỏi.

Thừa nhận đây là một thực trạng và “đồng ý với nhận định của đại biểu”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng hiện tượng này được biểu hiện ở việc cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, trong đó phổ biến là cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc trả lời chung chung, chưa sát với công việc và nhiệm vụ được giao, để người dân đi lại nhiều lần. Thậm chí có trường hợp vòi vĩnh bằng nhiều cách khác nhau để vụ lợi cá nhân.

Thanh tra đột xuất phát hiện nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng ảnh 2

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo ông Phong, hiện công tác cải hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Qua thanh tra còn phát hiện thấy có hiện tượng một số bộ, ngành có giấy phép con.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề thời gian qua, tình trạng vi phạm đạo đức công vụ đã xảy ra. Tổng Thanh tra đánh giá như thế nào về đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra? Theo phản ánh thì có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát đến làm việc làm ảnh hưởng đến công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền. Giải pháp trong thời gian tới…như thế nào?

Về vấn đề này, ông Phong thừa nhận trong dư luận đánh giá cán bộ thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng vẫn còn phiền hà, nhũng nhiễu hoặc có việc chưa đúng theo các quy định của Nhà nước để vụ lợi cá nhân.

“Vừa qua ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nói cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra. Chúng tôi tiếp thu ý kiến đánh giá đó để thời gian tới sửa đổi một số quy định chặt chẽ hơn” - ông Phong cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm