Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Quy chế làm việc số 09 của BCH Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành uỷ và Thường trực Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bản quy chế gồm 5 chương, 32 điều thay thế cho quy chế làm việc số 05 được ban hành cách đây một năm (ngày 15-6-2022).
Hội nghị lần thứ 10, BCH Đảng bộ TP Hà Nội. (Ảnh: VPTU) |
Thành uỷ viên phải gương mẫu, gần dân
Một trong những nội dung đáng chú ý của quy chế là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thành uỷ viên.
Theo đó, các Thành uỷ viên phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng.
Không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của T.Ư và Thành uỷ. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng.
“Có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh. Xây dựng gia đình văn hoá. Không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và cá nhân. Sinh hoạt đảng hai chiều theo quy định của Trung ương. Giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân” - Quy chế nêu.
Thẩm quyền cho ý kiến về các dự án
Quy chế cũng chỉ rõ, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho ý kiến về chủ trương triển khai thực hiện một số dự án trước khi cơ quan có thẩm quyền của TP quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công....
Các dự án này gồm: Dự án đầu tư công thuộc nhóm A; dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) trên địa bàn TP có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỷ đồng trở lên hoặc có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên trong khu vực các quận và từ 25 ha trở lên tại các khu vực còn lại;
Ông Đinh Tiến Dũng khảo sát dự án đường Vành đai 4 tại nút Yên Nghĩa - Hà Đông (Ảnh: VPTU) |
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có quy mô sử dụng đất từ 30ha đến 75ha hoặc có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỷ đồng trở lên; Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP, không kể quy mô nguồn vốn...
Còn Thường trực Thành ủy thì cho ý kiến về chủ trương triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng;
Cho ý kiến dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha tại các quận và có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; hoặc có quy mô sử dụng đất từ 10ha đến 25ha tại các khu vực còn lại;
Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có quy mô sử dụng đất dưới 30ha; các dự án đầu tư (sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách nhà nước) có yếu tố phức tạp...
Nhiệm vụ quyền hạn của Bí thư Thành uỷ
Quy chế cũng chỉ rõ Bí thư Thành uỷ là người đứng đầu Thành uỷ, chịu trách nhiệm cao nhất trước BCH, Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ.
Đồng thời là người cùng BCH, Ban Thường vụ và Thường trực Thành uỷ chịu trách nhiệm trước BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực của thành phố và chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công.
Bí thư Thành uỷ tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ, các khâu và lĩnh vực công tác quan trọng, khó khăn, phức tạp nhất; làm Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trực tiếp nắm và chỉ đạo những vấn đề cơ mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về công tác bảo vệ Đảng.
Bí thư Thành uỷ chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt theo Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ của thành phố. Trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và xây dựng lý luận; trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Thành uỷ viên…