Thành viên tổ kiểm soát dịch vòi tiền cho qua chốt, tội gì?

Ngày 20-8, Công an TP Dĩ An thông tin đã xác định được Trương Văn Công (36 tuổi, tạm trú phường Tân Bình, TP Dĩ An, thuộc đội xung kích phường Bình An, TP Dĩ An) là người đã “làm luật” 2 triệu đồng của anh HTĐ (làm nghề shipper - giao hàng). 

Trước đó, theo phản ánh của người dân, sự việc xảy ra trưa 16-8 tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 thuộc phường Bình An. Do phát hiện giấy thông hành của anh Đ. hết hạn, có dấu hiệu bị sửa, người đàn ông đứng chốt là Công (được phân công làm tổ phó tại chốt) đã dọa anh Đ. có thể bị đi tù… và bắt anh Đ. đưa mình 2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền chuyển khoản, Công đã cho anh Đ. qua chốt mà không kiểm tra, lập biên bản.

Công (mặc áo đen, đeo thẻ) bị tố "làm tiền" một shipper và hứa hẹn lần sau thoải mái qua chốt. Ảnh: Người dân cung cấp/ LÊ ÁNH

Theo luật sư Lê Văn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi của Công có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể: “Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng… thì bị phạt tù 1-6 năm”.

Theo đó, tội này gồm hai hành vi khách quan, đó là hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Đây là hai dấu hiệu cần và đủ để xác định một người có phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu thiếu một trong hai dấu hiệu vừa nêu thì không cấu thành tội này.

LS Thanh phân tích: Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chủ tịch UBND phường Bình An đã xác nhận người đàn ông bị tố giác đúng là người đứng tại chốt kiểm dịch.

Theo khoản 2 Điều 352 BLHS thì người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 được xem là “người có chức vụ”.

Anh Đ. nhờ bạn chuyển tiền vào tài khoản của Công. Ảnh: Người dân cung cấp/ LÊ ÁNH

Về hành vi chiếm đoạt tài sản, theo thông tin báo chí thì sau khi Công đứng trực chốt thấy giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính của anh Đ. có dấu hiệu bị sửa, không đáp ứng đầy đủ điều kiện thì lẽ ra người này phải lập biên bản, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Công lại lạm dụng quyền hạn của mình đe doạ và yêu cầu anh Đ. chuyển khoản 2 triệu đồng cho mình. Sau khi nhận tiền, Công đã cho anh Đ. qua chốt và không kiểm tra, lập biên bản nữa. Do vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản đã thực hiện xong, tức tội phạm đã hoàn thành.

Phân biệt giữa nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 BLHS) có sự giống nhau là đều xuất phát điểm do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Ở đây có sự xem nhẹ khách thể xâm phạm.

Tuy nhiên, ở tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hành vi chiếm đoạt đã hoàn thành.

Còn ở tội nhận hối lội thì hành vi mới chỉ dừng ở sự hứa hẹn. Người nắm giữ chức vụ quyền hạn chưa lấy tiền nhưng đã có sự hứa hẹn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Một kiểm sát viên VKSND Cấp cao tại TP.HCM

CÙ HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm