Ngày 16-8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Dự thảo luật mới thay thế Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69/2014).
Nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, dự thảo luật mới giúp hoàn thiện thể chế, tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại DN.
Dự thảo luật đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại DN.
Qua đó đảm bảo DN hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào DN
Đồng thời đảm bảo DN có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong nền kinh tế. Huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, DN Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo luật gồm chín chương với 92 điều. Về đối tượng điều chỉnh, theo Bộ Tài chính đề xuất là DN có vốn Nhà nước đầu tư, gồm: DN có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và DN có vốn đầu tư của DN có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp.
Quy định đối tượng điều chỉnh như vậy phù hợp với tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho DN chủ động trong sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý trực tiếp của các cơ quan quản lý so với quy định hiện nay.
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp Nhà nước
Trao đổi bên lề hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho hay, đơn vị được Đảng và Nhà nước giao quản lý vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật 69/2014 đã có một số tồn tại, bất cập. Qua ý kiến của các đại biểu, việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng, Chính phủ cho DN là vấn đề đặt ra đối với dự thảo luật lần này.
“Phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để DN chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đối với DN Nhà nước”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, vừa qua Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành Nghị định 97/2024 thay thế Nghị định 10/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Trong đó có rất nhiều điểm mới liên quan đến phân cấp, phân quyền cho cơ quan chủ sở hữu. Cụ thể là phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN trong vấn đề chỉ đạo hoạt động của DN.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, hoạt động quản trị kinh doanh của DN Nhà nước đang chịu sự chỉ đạo, can thiệp chặt chẽ của nhiều cơ quan Nhà nước, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo.
“Thực tế đã xảy ra nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước và nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa liên quan đến đất đai, xác định giá trị DN. Tình trạng DN chuyển từ lãi giả, lỗ thật sang lỗ giả, lãi thật là bài học trong quá trình cổ phần hóa từ cấp địa phương tới Trung ương”, ông Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình thẩm tra dự án luật phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Để đảm bảo dự thảo luật có tính khả thi, các quy định phải tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại DN. Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội ban hành được một đạo luật tốt, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.