Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, anh NĐT ngụ ở quận Bình Tân gặp phải rắc rối khi giao kết hợp đồng mua bán xe lại ghi địa chỉ thường trú theo địa chỉ được in trên CCCD.
Vì thích 1 biến số xe đẹp có số cuối là 68 nên anh mua chiếc xe này để chạy. Hợp đồng mua bán xe được thực hiện tại một phòng công chứng. Ngày 24-7-2023, khi thực hiện hợp đồng, anh đưa CCCD của mình cho công chứng viên. Công chứng viên lập hợp đồng ghi địa chỉ theo địa chỉ thường trú in trên CCCD. Ngày 25-7, anh đi nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 27-7, anh đến cơ quan đăng ký xe để thực hiện nộp hồ sơ làm biển số. Trong hồ sơ anh cũng ghi địa chỉ thường trú theo hợp đồng mua bán xe cho thống nhất.
Sau khi nộp xong hồ sơ, anh được công an đưa cho giấy hẹn 1 tuần sẽ có kết quả. Nhưng chưa đến 1 tuần, cơ quan công an nơi anh nộp hồ sơ đã gọi anh tới để điều chỉnh địa chỉ thường trú vì trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thể hiện nơi thường trú của anh hiện tại không còn ở quận Tân Phú nữa mà đã chuyển qua quận Bình Tân (đầu năm nay cả gia đình anh đã chuyển nơi thường trú về quận Bình Tân để tiện cho con đi học).
Ngày 1-8, anh lên cơ quan thuế để điều chỉnh thông tin về địa chỉ thường trú. Đến ngày 9-8, anh mới được cơ quan thuế thông báo về việc đã điều chỉnh xong thông tin của anh. Ngày 8-8, anh có chuyến công tác ra nước ngoài nên đã không kịp lên cơ quan thuế lấy giấy tờ. Đến ngày 15-8, anh mới về Việt Nam, khi đó anh mới liên hệ với cơ quan thuế để lấy giấy tờ.
Ngày 16-8, anh liên hệ với cơ quan đăng ký xe để bổ sung hồ sơ về điều chỉnh thông tin thì lúc này anh được công an cho biết thông tư 24/2023/TT-BCA đã có hiệu lực nên anh phải nộp lại hồ sơ theo thông tư 24. Yêu cầu chủ cũ của chiếc xe lên làm thủ tục thu hồi biển số. Chiếc xe anh mua anh không được sở hữu biển số xe đẹp như anh mong muốn trước đó.
Luật sư Ngô Minh Trực, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Từ vụ việc của anh T, người dân cần rút kinh nghiệm trong việc điền thông tin nơi thường trú để tránh những rắc rối khi thực hiện thủ tục hành chính, giao hết hợp đồng.
Trên CCCD, có in nơi thường trú nhưng nơi thường trú của mỗi người có thể thay đổi, khi thay đổi thì sự thay đổi này chỉ thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mà dữ liệu này chỉ có cơ quan này nước quản lý mới có thể xem được.
Trường hợp thay đổi nơi thường trú không thuộc trường hợp cấp đổi, cấp lại CCCD (theo điều 23 Luật CCCD 2014). Điều này dẫn đến nhiều người khi thực hiện các giao dịch, hay thủ tục hành chính không để ý vẫn ghi địa chỉ thường trú theo địa chỉ in trên CCCD.
Trong trường hợp thay đổi địa chỉ thường trú, khi giao kết hợp đồng hay thực hiện các thủ tục hành chính cần khai thông tin về nơi thường trú thì người dân phải khai nơi thường trú đã thay đổi gần nhất; nhắc nhở công chứng viên, người lập hợp đồng về việc này.
Khi đã thay đổi nơi thường trú, người dân không nên ghi địa chỉ thường trú cũ theo địa chỉ được in trên CCCD. Nếu chúng ta lưu ý về sự thay đổi này thì sẽ tránh được những phiền hà khi đi làm thủ tục hành chính giúp chúng ta tiết kiệm nhiều thời gian công sức.