Thời gian qua, trong thực tiễn công tác Đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị khi phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Nhận diện “căn bệnh” trong tình hình mới
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; trong đó, có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Thực tế thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng và pháp luật, làm ảnh hưởng không tốt tới vai trò và uy tín của Đảng đến mức phải bị xử lý kỷ luật.
Điều đáng chú ý là đa số những người này có vi phạm kéo dài nhưng có không ít đảng viên biết rõ nhưng không dám đấu tranh, vô tình tiếp tay cho sai phạm. Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm trong nội bộ còn rất hạn chế, chủ yếu thông qua dư luận, báo chí phản ánh qua đơn thư tố cáo, kiến nghị của người dân, cán bộ, đảng viên khác hoặc thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Nguy hại hơn, biểu hiện này lại đang xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức Đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa. Biểu hiện đó là kiểu đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh và được xác định là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị.
Bên cạnh đó, tính nêu gương của một số người đứng đầu chưa thường xuyên, có biểu hiện sa vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, thậm chí có đảng viên xa rời, thoát ly sự lãnh đạo của tổ chức đảng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác rèn luyện, tu dưỡng, mất dần tính tiền phong gương mẫu của người Đảng viên. Trong khi đó, sự kiểm tra của tổ chức đảng, trước hết là của chi bộ, của cấp ủy đối với đảng viên, cấp ủy viên còn lỏng lẻo.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp chưa đồng đều, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tại cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ, ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm các bức xúc của cán bộ, đảng viên khi manh nha dấu hiệu vi phạm ngay từ cơ sở.
Nhiều cấp ủy và tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức và chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng trong quá trình xây dựng cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng; chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đức và tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo yêu cầu của thời kỳ mới.
Nhiều nguyên nhân
Vẫn còn đó chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển, trong khi đó công tác kiểm tra từ trên xuống và ngược lại không được tổ chức thường xuyên đã ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Cũng có thể dễ dàng nhận ra những hạn chế, bất cập trong những vấn đề nêu trên là hiện nhiều cán bộ, đảng viên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay thường có đặc điểm chung là ngại va chạm, né đấu tranh, “mũ ni che tai” và chỉ thiên về lo cho cuộc sống bản thân và gia đình; nếu tích cực đấu tranh thì sợ mất việc làm, mất địa vị, sụt giảm thu nhập, trong khi đó lại chưa có cơ chế bảo vệ có hiệu quả người dũng cảm, thẳng thắn đấu tranh vì lợi ích chung.
Điều này đã vô hình trung cổ vũ, tiếp tay cho lối sống xu thời, cơ hội, sẵn sàng làm “tấm bình phong” che đỡ những kẻ tài hèn đức mọn; đồng thời không tạo chỗ dựa, động lực, niềm tin phấn đấu vươn lên cho những nhân tố tích cực, những cán bộ, đảng viên dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lại còn gián tiếp thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, làm rệu rã ý thức tự phê bình và phê bình, làm lung lay, giảm sút sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm biến dạng, méo mó các mối quan hệ và ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong tập thể, cơ quan, đơn vị.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng là nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các hoạt động của Đảng, quy định chế tài cụ thể trong công tác cán bộ (bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức) và những định hướng, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Như vậy, những vấn đề nêu trên của căn bệnh “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” cần được nhận diện, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; xem đây là điều nan giải cần phải kiên trì, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, cũng như đề ra những nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, giải pháp lâu dài mang tính khả thi nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch trong tình hình mới.
Những biện pháp cần thiết để đẩy căn bệnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tự giác đi đầu trên mọi phương diện: tiên phong, gương mẫu về phẩm chất chính trị tư tưởng, về ý thức tổ chức kỷ luật, về đạo đức, lối sống; có như vậy mới làm tốt vai trò tập hợp, tổ chức và dẫn dắt quần chúng, nhân dân đi theo Đảng.
Thực tế cho thấy, nơi nào và ở đâu mà cán bộ, đảng viên gương mẫu và đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào, các hoạt động xã hội thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Ở đâu mà cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, ở đó phong trào yếu kém, hiệu quả thi đua thấp, và thường xuyên xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
“Tự soi, tự sửa” là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong ý thức thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ, tu dưỡng, rèn luyện, nhất là về đạo đức, lối sống, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cũng phải “tự soi, tự sửa” trong thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, tạo môi trường tốt để mỗi đảng viên phát huy tính tự giác, thực hiện hiệu quả, thực chất việc “tự phê bình và phê bình”. Khi có một tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất, các đảng viên sẽ chân thành và cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, quan tâm nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí. Có như vậy thì mọi khuyết điểm, dù nhỏ nhất cũng được mọi người chia sẻ để cùng nhau khắc phục. Trong môi trường tốt đó, tự khắc mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không ngại nhận rõ khuyết điểm của bản thân, hơn thế, còn mong được mọi người giúp mình tiến bộ, trưởng thành hơn.
Gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nghiêm túc các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Quán triệt và thực hiện nghiêm 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đây cũng là những cơ sở tạo nền tảng để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa” mình, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phát huy vai trò trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị để chủ động kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, có trình độ, năng lực toàn diện, mẫu mực trong suy nghĩ và hành động; nâng cao trách nhiệm nêu gương của đảng viên, người đứng đầu.
Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng cần có quy định, quy chế, chính sách cụ thể trong phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, xuất sắc, đồng thời cần hoàn chỉnh các quy định về xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc đánh giá, xếp loại phải liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng nhiệm vụ cụ thể hoặc có sự so sánh giữa các vị trí tương đương sau đó công khai kết quả thường xuyên.
Tự soi, tự sửa là một trong những giải pháp quan trọng
Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập về việc “tự soi, tự sửa”.
Đây là giải pháp quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.