Như nấm mọc sau mưa, mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các tổ chức phản động, các phần tử cực đoan chính trị lại luôn rêu rao những luận điệu xuyên tạc để tạo các luồng thông tin ngược dòng lịch sử, phủ nhận chiến thắng vĩ đại 30-4, xuyên tạc thành tựu trong công cuộc xây dựng, đổi mới của đất nước.
Luận điệu cũ rích, chống phá điên cuồng
Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng lưới Internet, các thế lực thù địch ngày đêm điên cuồng đăng tải các bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc trên các trang mạng xã hội như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, RFA Việt ngữ… Tổ chức phản động Việt Tân còn chỉ đạo các chân rết cùng các phần tử chống phá trong nước tập trung vào một bộ phận cộng đồng dân cư mạng còn hạn chế về nhận thức hoặc những người có tư tưởng bất mãn để lôi kéo, tạo luồng dư luận “xấu”, “độc”, tạo các commet ảo trên không gian mạng, tổ chức livestream để phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân cả nước.
Nguy hại hơn là các thế lực thù địch đẩy mạnh tấn công tư tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Với những luận điệu cũ rích, chúng rêu rao rằng đó là “ngày quốc hận”, “tháng 4 là tháng vo gạo bằng nước mắt”, “tháng 4 đen”; chúng gọi đây “thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”...(?!)
Hay gần đây, trên một số trang mạng, website, blog cá nhân của các phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu sai lệch, đòi “định danh lại ngày 30-4 cho phù hợp” vì không chấp nhận 30-4 là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng cho rằng “không nên gọi ngày 30-4 là ngày giải phóng”; xuyên tạc rằng, nếu không có ngày 30-4-1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan…(?!)
Từ những căn cứ ngụy tạo trên, các thế lực thù địch âm mưu muốn xóa nhòa mục đích, bản chất đúng đắn của sự nghiệp cách mạng dân tộc.
Tinh vi hơn, dưới danh nghĩa hòa hợp, hòa giải dân tộc, các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống phá còn đưa ra luận điệu đòi đa nguyên, đa đảng mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Khối đại đoàn kết – Tường thành vững chắc
Thực tế đã minh chứng, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc trong truyền thống văn hóa hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX), Đảng đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Nghị quyết 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết 25-NQ/TW “Về công tác tôn giáo”, đặc biệt là Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” là những nghị quyết quan trọng, thể hiện tư duy mới, cách nhìn đúng đắn và quyết định các nội dung cơ bản nhằm tạo điều kiện cho những bước đột phá trong công tác hòa hợp, hòa giải.
Đến Đại hội XII của Đảng, một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán đó và nhấn mạnh: “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước” .
Mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dư luận thế giới và các báo, đài quốc tế đã nhiều lần đưa tin về Chiến thắng 30/4/1975 lịch sử với nhiều bình luận chỉ trích cuộc chiến tranh và thể hiện cảm phục đối với dân tộc Việt Nam anh hùng.
Tờ Asahi Shimbun số ra ngày 1-5-2000 có bài xã luận mang tính thời sự: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”. Cũng theo bài báo, “Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giành được nhiều thành tựu rất đáng tự hào”.
Hay như Tờ Thời báo New York còn dẫn tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc, về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang, do luật sư Danien phát hiện. Điều này khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo và vô nghĩa.
Còn báo Tin tức Ai Cập ngày 7/5/1975 đã bình luận: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.
Sau gần 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu do chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh; khó khăn chồng chất lại còn bị bao vây cấm vận, đã vươn lên, phát triển kinh tế nhanh chóng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Đặc biệt trong hai năm 2020 - 2021, bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội cho đất nước; trong khi nền kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng GDP lần lượt 2,91% và 2,58%, và được thế giới và nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng ở mức 6%, so với mức dự báo tăng 5,2% trong năm 2023. ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. Cùng nhận định đó, Bloomberg cho biết, “kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm nhờ xuất khẩu và sự gia tăng trong sản xuất và đầu tư. Việt Nam là một trong 5 quốc gia nổi lên là những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu”.
Thành quả đổi mới, hội nhập: Minh chứng không thể chống phá
Về hội nhập quốc tế, ấn tượng với quá trình hơn 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhận xét: “Ở thời điểm mới gia nhập LHQ, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề đói nghèo. Còn ở thời điểm hiện tại, Việt Nam được biết tới như một nền kinh tế đầy năng động. Vị thế của Việt Nam ngày càng được đề cao và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được coi trọng tại LHQ… Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Để thực hiện các mục tiêu này không hề dễ dàng với nhiều nước trên thế giới”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số 6 quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ thứ 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Giám đốc quốc gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) Herve Conan đánh giá như sau: “Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều quy định pháp luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030. Cùng với đó, Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố Bắc Kinh năm 1995”.
Như vậy, đúng như với câu “hữu xạ tự nhiên hương”, mặc cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động trong và ngoài nước cứ “đến hẹn lại lên” tại những sự kiện quan trọng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn kiên trì cùng nhân dân thực hiện đường lối đổi mới, chính sách phù hợp, góp phần đem lại những chuyển biến rõ rệt, tích cực ở Việt Nam về mọi mặt, và được thế giới cùng bạn bè quốc tế công nhận, đánh giá cao.
Sự thật lịch sử về Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử thế giới.
Chiến thắng 30-4 là mốc son chói lọi bằng vàng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được cả thế giới ngưỡng mộ và tôn vinh. Mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, của các phần tử phản động, cơ hội chính trị đều không làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện 30-4-1975.
Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp Nhân dân cần kiên quyết, chủ động tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, phản động của các thế lực thù địch, kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những nhận thức, quan điểm lệch lạc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, góp phần làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
(*Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn)