Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 23 đến 25-5 thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Mỹ, Việt. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm nhằm nêu bật cam kết của chính quyền Obama với việc tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Ngô Vĩnh Long - khoa Lịch sử Trường ĐH Maine, Mỹ (ảnh) nhận định: “Chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này, đặc biệt trong bối cảnh ông Obama sẽ rời Nhà Trắng vào cuối năm nay, giúp cho ông có thể làm một số việc mà khi ông còn nhiều thời gian tại chức khó làm vì những ràng buộc chính trị nhất thời”.
“Thời điểm thuận lợi” cho Tổng thống Obama
. Phóng viên: Năm 2015, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ có bài nhận định “Đã đến lúc Tổng thống Obama đến Việt Nam”. Tuy nhiên, đến tháng 5-2016, chuyến đi mới được tiến hành. Ông nghĩ gì về thời điểm của chuyến thăm?
+ GS Ngô Vĩnh Long: Vào thời điểm hiện tại, trước khi ông sắp rời ghế tổng thống, ông rảnh tay hơn để đưa ra một số quyết định quan trọng nhằm “lót đường” cho chính sách của Mỹ đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung mà tân tổng thống sẽ khó có thể làm.
Nên nhớ là cựu tổng thống Mỹ trước đây, ông Bill Clinton đã sang thăm Việt Nam vào năm 2000 trước khi ông rời ghế tổng thống (vào năm 2001) là để đặt nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước, mặc dù tình hình ở Việt Nam và Mỹ lúc đó còn rất phức tạp.
. Theo ông, chuyến thăm này sẽ mang lại ý nghĩa gì đối với quan hệ Mỹ-Việt nói riêng và Mỹ với khu vực nói chung trong thời gian tới với bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, liên tục gia tăng sức ép trên biển, gây quan ngại cho nhiều nước trong khu vực?
+ Ông Obama trong chuyến đi này không phải chỉ đến thăm riêng Việt Nam mà còn để gặp lãnh đạo các nước trong khu vực với mục đích thảo luận về tình hình an ninh chung trước sự bành trướng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.
Qua chuyến đi này, Mỹ muốn gửi thông điệp đến tất cả các nước trong khu vực và ngoài khu vực về quyết tâm của Mỹ trong vấn đề “tái cân bằng” chiến lược toàn cầu của Mỹ đến châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Lợi ích và sức mạnh lâu dài của Mỹ tùy thuộc vào việc duy trì sức mạnh và bảo vệ an ninh trên biển, mà biển Đông là nơi quan trọng hàng đầu vì hơn một nửa tổng lượng hàng mậu dịch của toàn cầu mỗi năm được chuyên chở qua đây.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử năm 2015. Ảnh: TTXVN
Khả năng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương?
. Tổng thống Obama đến Việt Nam trong khoảng thời gian hai ngày và làm việc ở Hà Nội lẫn TP.HCM, ông kỳ vọng hai nước sẽ tập trung ưu tiên thảo luận về những vấn đề gì với kết quả được dự báo ra sao?
+ Theo quan điểm của cá nhân tôi, hai nước sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh trên biển Đông và trong khu vực. Phía Mỹ sẽ nêu vấn đề giúp Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là tại biển Đông...
. Hãng Reuters (Mỹ) đưa tin nhiều tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ đã đến Việt Nam ngay trước thềm chuyến thăm của Obama. Phải chăng đó là dấu hiệu khả quan cho việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam sau chuyến thăm này?
+ Đối với Việt Nam, việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương có ý nghĩa như một minh chứng về mức độ “tin cậy chiến lược” của Mỹ với Việt Nam. Trong khi đó, phía Mỹ cũng biết là việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận không đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ý định hay có đủ năng lực tài chính để mua vũ khí của Mỹ, trừ một số vũ khí có thể. Việc chính phủ Mỹ (và có thể cả chính phủ Việt Nam) mời các tập đoàn vũ khí Mỹ đến thăm Việt Nam chủ yếu là để đánh tiếng và vận động dư luận Mỹ hay ngay cả quốc hội Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận.
. Theo ông, có khả năng Mỹ sẽ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong chuyến đi này của Obama hay không?
+ Vấn đề vận động dư luận Mỹ để gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hiện nay vẫn còn đang vấp phải một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nếu phía Việt Nam hành xử một cách khéo léo trước và trong chuyến thăm của Tổng thống Obama thì tôi nghĩ Tổng thống Obama sẽ công bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận trong chuyến thăm này.
Nếu những khó khăn giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết triệt để thì cá nhân tôi nghĩ chính phủ Mỹ sẽ chờ thời điểm thuận tiện hơn. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì cá nhân tôi nghĩ rằng Mỹ cũng sẽ bỏ cấm vận trước khi ông Obama rời ghế tổng thống. Mục đích là để tân tổng thống Mỹ khỏi phải bận tâm đối với vấn đề này. Bởi lẽ lệnh cấm vận này đã được bàn trong thời gian dài…
. Xin cám ơn ông.
Chuyến thăm ngắn và bước đi dài Tờ The Washington Post bình luận các chuyến thăm của tổng thống Mỹ luôn có sức hút đặc biệt với mọi quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ nửa cuối năm 2015, thông tin ông chủ Nhà Trắng, lãnh đạo của cường quốc số một thế giới, có ý định thăm Việt Nam xuất hiện nhiều làm nóng các diễn đàn khoa học lẫn đời sống. Hình dung một cách vĩ mô, chuyến công du này, như phía Mỹ tuyên bố hôm 18-5 (giờ địa phương) nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác mới với các nước đang gia tăng vị thế trong khu vực như Việt Nam và thắt chặt quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, vốn được Mỹ xem là “trái tim” trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Chuyến đi sẽ củng cố thêm niềm tin về sự hiện diện của Mỹ tại châu Á hay Tuyên bố chung Sunnylands được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hồi đầu năm nay. Thời lượng ông Obama làm việc tại Việt Nam không nhiều nhưng có thể nhìn thấy những hướng mở cho sự phát triển cả hai bên, khi niềm tin Việt-Mỹ đang theo xu hướng cải thiện tích cực. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn nhấn mạnh sự phát triển và tiềm năng của mối quan hệ kinh tế Việt-Mỹ dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận. Không chỉ Nhà nước, mà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, đoàn thể và thậm chí là nông dân đang trông chờ vào những thỏa thuận thương mại tiềm năng mà cả Mỹ và Việt Nam có thể mang lại. Trong khi đó, lĩnh vực hợp tác an ninh-quốc phòng kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải pháp thực thi luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp biển Đông, nâng cao năng lực an ninh hàng hải, thảo luận gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Không thể kỳ vọng chuyến thăm này khiến tình hình biển Đông tiến triển tốt hơn ngay lập tức nhưng đó sẽ là một mắt xích trong tiến trình đối trọng một Bắc Kinh liên tục leo thang không có dấu hiệu dừng trong thời gian tới. Quan hệ nhân dân Việt-Mỹ cũng sẽ bắt đầu “nhộn nhịp” hơn khi ĐH Fulbright Việt Nam ra đời; hơn hàng chục ngàn thanh niên đang theo đuổi chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI); hàng ngàn doanh nhân cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên phấn khởi chuẩn bị tâm thế cho những cơ hội mới theo ngay sau chương trình nghị sự của ông Obama. Quan hệ Việt-Mỹ kể từ sau bình thường hóa đến nay trải qua nhiều sự kiện được ví là “bước tiến dài”. Sau những bước đi tương đối nhanh, có thể hình dung Mỹ đang bắt đầu đi vào chiều sâu đối với các vấn đề mang tính lợi ích chung, quan tâm chung hơn là tốc độ. “Kỳ vọng Obama” trong chuyến đi này sẽ không chỉ có giá trị trong ngắn hạn mà còn trung và dài hạn cho quan hệ song phương. |