Các trường đại học (ĐH) đến thời điểm này đã chính thức chốt phương án tuyển sinh năm 2020. Trong đó, nhiều trường đã có những điều chỉnh về chỉ tiêu, thêm phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội vào ĐH cũng như tuyển được thí sinh (TS) phù hợp. Học phí theo lộ trình cũng tăng hầu hết ở các trường.
Tăng chỉ tiêu thi đánh giá năng lực
Năm 2020, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thu hút hơn 60.000 TS tham gia. Đây là kỳ thi tuyển sinh riêng có số lượng TS tham gia lớn nhất cả nước, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng là đợt thi đông nhất trong ba năm tổ chức.
Do đó, sau khi cân nhắc, đến nay đã có khoảng 62 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Riêng các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đã quyết định điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu cho phương thức này.
Trường ĐH Kinh tế - Luật vừa quyết định dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu xét từ điểm thi đánh giá năng lực, tăng 10% so với trước đó. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 2.100 chỉ tiêu cho 40 chương trình đào tạo.
Theo ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc thông tin truyền thông và tư vấn tuyển sinh của trường, việc điều chỉnh này do qua hai năm tuyển sinh từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã chứng tỏ được uy tín và chất lượng TS đầu vào. Ngoài ra, với những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT nên trường quyết định tăng chỉ tiêu để tạo thêm cơ hội cho TS.
Tương tự, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm nay cũng tuyển 3.399 chỉ tiêu gồm sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài bằng năm phương thức tuyển sinh. Trong đó, xét tuyển dựa vào kết quả kiểm tra trình độ năng lực chiếm 35%-45% tổng chỉ tiêu. Sau khi cân nhắc, Trường ĐH Quốc tế quyết định bỏ kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức trong mùa tuyển sinh năm nay. Thay vào đó, trường tăng chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT lên tối đa 60% và xét điểm thi đánh giá năng lực lên 50%.
Trường ĐH Bách khoa cũng dành 30%-70% tổng chỉ tiêu cho xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) đặt câu hỏi tư vấn chọn ngành, nghề tại Ngày hội tuyển sinh 2020. Ảnh: PHẠM ANH
“Siết” học bạ, tuyển cả thí sinh Đường lên đỉnh Olympia
Năm 2020, xét tuyển bằng học bạ là phương thức được hầu hết các trường ĐH ưu tiên sử dụng với tỉ lệ chỉ tiêu khá lớn. Tuy nhiên, với những trường công lập hoặc lần đầu sử dụng phương thức này, để đảm bảo chất lượng, các trường cũng phải sàng lọc TS bằng nhiều tiêu chí đi kèm.
Theo đề án chính thức do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa công bố, đây là năm đầu tiên trường xét tuyển bằng phương thức học bạ với chỉ tiêu khoảng 30%.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, để tuyển được TS đạt chất lượng, trường sẽ xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ trong năm học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp (có ba môn) vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà cho học sinh của tất cả trường THPT trên cả nước (tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến 2020).
Cũng là năm đầu tiên sử dụng phương thức xét tuyển học bạ, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM quyết định dành tới 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này. Để xét tuyển, trường cũng áp dụng điểm trung bình học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) theo tổ hợp ba môn xét tuyển (đối với học sinh tốt nghiệp năm 2020) và sáu học kỳ (đối với học sinh tốt nghiệp năm 2019, 2018) đạt từ 7,5 điểm trở lên.
Ngoài ra, nhiều trường đã quyết định duy trì hoặc mở thêm phương thức ưu tiên xét tuyển cho những TS dự thi Đường lên đỉnh Olympia.
Cụ thể như ĐH Quốc gia Hà Nội thêm tiêu chí đối với TS được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc ĐH là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hằng năm và có điểm trung bình chung học tập năm học kỳ (trừ học kỳ 2 của lớp 12) đạt từ 8 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tiếp tục dành 1% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT kết hợp đối với TS tham gia từ vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Khi chọn trường, chọn ngành phải lưu ý học phí Năm 2020, theo đề án tuyển sinh các trường ĐH, CĐ vừa công bố, học phí ở tất cả trường đều tăng, chủ yếu tăng theo lộ trình 10% hằng năm theo Nghị định 86/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ cho phí học tập từ năm 2015 đến 2021. Được biết, hiện nay các trường ĐH có nhiều chương trình đào tạo với mức học phí khác nhau, gồm: Hệ đại trà, hệ chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế... Chưa kể, một số trường chuyển sang cơ chế tự chủ nên sẽ có học phí tăng cao. Do đó, TS khi chọn trường, chọn ngành cần chú ý đến chương trình đào tạo và học phí tương ứng để tránh ảnh hưởng lớn đến việc theo học hoặc tốn kém thời gian nếu chờ xét tuyển lại. |