Chu kỳ tăng trưởng này vừa được Hiệp hội Bất động sản BĐS TP.HCM (HoREA) đưa ra khi nhận định về diễn biến thị trường BĐS trong hơn một thập niên qua.
HoREA cho rằng thị trường BĐS có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường nguyên vật liệu thiết bị, thị trường lao động.
Theo quy luật phổ biến, thị trường BĐS thường diễn biến theo hình SIN bất đối xứng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh; quan hệ cung-cầu; chính sách, cơ chế điều tiết vĩ mô của Nhà nước; hành vi đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư dưới sự tác động của chính sách, cơ chế, hoặc do yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng thị trường BĐS thường trải qua các giai đoạn phát triển: tăng trưởng - ổn định - nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại…
Trong đó, các giai đoạn thị trường nhà đất bị khủng hoảng sốt bong bóng hoặc bị đóng băng đều tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các đối tượng như doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư anh thứ cấp, người tiêu dùng và người lao động đều chịu tác động.
Khách hàng tham quan mô hình dự án BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA: Cứ sau mỗi giai đoạn năm năm thì quy mô thị trường có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi. Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng là 0,9 lần. Nhưng trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 1,6 lần.
Năm 2016 và tám tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong phân khúc căn hộ BĐS cao cấp từ ba phòng ngủ trở lên, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, nhưng nhìn toàn cục thị trường vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định.
Trong giai đoạn 2016-2020 dự báo thị trường BĐS sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, tái cơ cấu sản phẩm để giải quyết hiện tượng lệch pha cung- cầu đang thiên về phân khúc cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Thay vào đó, chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở, căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền đang có nhu cầu thực rất lớn, có tính thanh khoản cao. Đồng thời kiểm soát tín dụng chặt chẽ để khắc phục hiện tượng lệch pha dòng tiền, tín dụng vào một số doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu với khối lượng khoảng 300.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 60%-70% được đảm bảo bằng BĐS thì sẽ giải quyết được nợ xấu. Ngoài ra, giúp tái khởi động các dự án BĐS đang bị ngừng triển khai, khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A).
“Do vậy, có thể dự báo thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi và tăng trưởng cơ bản ổn định, không có biến động lớn” - ông Châu nhấn mạnh.