Tính đến đầu giờ chiều ngày 4-7, giá vàng miếng lẫn vàng nữ trang chạm mốc 50 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng 30.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua, niêm yết giá vàng miếng mua vào bán ra ở mức 49,5 - 49,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại ngân hàng TPBank tăng 140.000 đồng/lượng, giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, niêm yết giá mua bán ở mức 49,58 - 49,9 triệu đồng/lượng.
Đáng nói, Maritime Bank còn đẩy giá bán lên 50 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá đóng cửa chiều qua. Lo ngại rủi ro khiến ngân hàng này kéo rộng biên độ giá mua - bán lên tới 1,1 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, vàng miếng SJC tại các tổ chức lớn hiện chỉ nới rộng biên độ giữa giá mua - bán lên khoảng 400.000 đồng/lượng, niêm yết giá mua vào bán ra phổ biến ở mức 49,64 - 49,82 triệu đồng/lượng.
Trái ngược với xu hướng giá vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn trong nhiều ngày qua thường đắt hơn nhiều so với vàng miếng thì giờ đây lại rẻ hơn.
Chẳng hạn như vàng nhẫn 24K của PNJ tăng 70.000 đồng/lượng so với chiều qua, đẩy giá mua bán lên mức 49,19 - 49,89 triệu đồng/lượng. Mức giá này rẻ hơn vàng miếng khoảng vài chục ngàn đồng/lượng song biên độ chênh lệch giá mua - bán nới lên tới 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước điều chỉnh tăng giảm sát với diễn biến của giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay dừng lại ở mức 1.774 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong tuần qua, có thời điểm giá vàng thế giới đã bật lên vùng cao nhất trong khoảng 9 năm do nhà đầu tư đổ tiền vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn trước bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp ở nhiều quốc gia.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện đang dừng lại ở mức 49,8 triệu đồng/lượng, ngang với giá vàng trong nước.