Thiệt thòi vì cơ quan THA kê biên sót tài sản

Theo quyết định công nhận hòa giải thành của TAND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) tháng 5-2012, vợ chồng bà Lê Thị Hoàng phải trả cho một ngân hàng hơn 3,3 tỉ đồng cả gốc và lãi. Sau đó, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Thốt Nốt ủy thác cho Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh THA (nơi vợ chồng bà Hoàng có tài sản).

Sau ba năm, tiền giảm phân nửa

Tháng 8-2012, Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định kê biên nhiều thửa đất và tài sản trên đất của vợ chồng bà Hoàng để bảo đảm THA. Sau đó, do vụ việc có tính chất phức tạp nên Cục THA TP Cần Thơ rút lên để thi hành.

Quá trình THA, bà Hoàng đã gửi đơn khiếu nại biên bản kê biên của Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh. Theo bà Hoàng, gia đình bà làm nghề xay xát lúa, nuôi cá và có trại nuôi heo nên đã đầu tư rất nhiều công trình có giá trị trên đất. Nhưng biên bản kê biên của Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh đã liệt kê thiếu nhiều tài sản có giá trị nên bà yêu cầu được liệt kê, được định giá lại theo đúng hiện trạng.

Yêu cầu này của bà Hoàng bị Cục THA TP Cần Thơ bác và việc bán đấu giá vẫn được thực hiện. Sau năm lần giảm giá (do không có người mua), tháng 7-2015, khối tài sản của gia đình bà Hoàng đã được bán với giá hơn 3,6 tỉ đồng. Trước đó, tháng 10-2012, số tài sản trên được Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh yêu cầu định giá để làm cơ sở bán đấu giá và theo chứng thư thẩm định thì tổng giá trị là hơn 7,1 tỉ đồng.

Bà Lê Thị Hoàng bức xúc trước việc tài sản của mình bị kê biên sót. Ảnh: T.TÙNG

VKS: Đương sự khiếu nại có cơ sở

Tháng 8-2015, VKSND TP Cần Thơ đã đi xác minh thực tế và đối chiếu với biên bản kê biên tài sản của Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh. Sau đó, VKS gửi công văn cho Cục THA TP Cần Thơ khẳng định khiếu nại của bà Hoàng là có cơ sở bởi thực tế còn nhiều tài sản của vợ chồng bà chưa được Chi cục THA huyện kê biên xử lý. Cũng theo VKS, trong chứng thư thẩm định giá mà Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh căn cứ để xử lý tài sản có hơn 21.000 m2 đất được định giá theo loạt đất lúa trong khi thực tế có gần 19.000 m2 là đất ao nuôi cá.

Hai tháng sau, Cục THA TP Cần Thơ đã lập đoàn công tác xác minh kiểm kê thực tế tài sản trên đất của vợ chồng bà Hoàng. Đoàn kiểm tra cho rằng các tài sản này đều có sau thời điểm kê biên. Tháng 4-2016, Cục THA đã thực hiện việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo danh mục tài sản mà Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh kê biên năm 2012.

Cục THA TP Cần Thơ cho rằng qua kiểm tra đối chiếu thì phát sinh chín loại tài sản gồm: Phần lò sấy lúa, phần hàng rào B40 quanh đất, phần trạm biến áp cột điện, nhà chứa thức ăn, phần đường đi tráng xi măng, phần bờ kè, phần ống nước, phần cống hộp dẫn nước, phần các cống đậy cấp thoát nước. Riêng việc đào ao nuôi cá là do gia đình bà Hoàng tự đào nên vẫn tính giá trị là đất lúa.

“Chi cục THA huyện có phần thiếu sót”.

Ông Nguyễn Duy Quốc (Phó Cục trưởng Cục THA TP Cần Thơ) đã thừa nhận như thế khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

“Quá trình kê biên bán đấu giá tài sản, chúng tôi nhận thấy Chi cục THA huyện Vĩnh Thạnh có một số thiếu sót, liệt kê thiếu một số tài sản nhưng để xác định giá trị là bao nhiêu thì chưa tính được. Rà soát lại, chúng tôi nhận thấy những tài sản dư ra đó gồm hai loại: Một số xuất hiện trước khi kê biên và một số được tạo dựng sau khi kê biên” - ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, một số tài sản bị kê biên thiếu như bờ kè, nhà kho, đường đi có rải đá... Riêng đường cống thoát nước kê biên thiếu số mét vì khi năm 2012 đang trong quá trình xây dựng… Do phát sinh một số tài sản như trên nên Cục THA TP Cần Thơ đã vận động người trúng đấu giá bỏ tiền ra mua lại. Lúc đầu người trúng đấu giá đồng ý bỏ ra 200 triệu đồng để lấy số tài sản này nhưng phía bà Hoàng không chịu mà đòi 1,5 tỉ đồng. Cho đến trước khi cưỡng chế giao tài sản, người trúng đấu giá lại đổi ý, chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng nên việc thương lượng không thành...

Cũng theo ông Quốc, Cục THA TP Cần Thơ sẽ phải tiếp tục mời hai bên lên để giải quyết nốt mâu thuẫn liên quan đến phần tài sản kê biên thiếu.

Tài sản có sau kê biên cũng phải tính

Khoản 2 Điều 113 Luật THA dân sự (xử lý tài sản gắn liền với đất đã kê biên) quy định: Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người phải THA gắn liền với quyền sử dụng đất đã kê biên thì chấp hành viên xử lý tài sản cùng với quyền sử dụng đất. Chỉ trong trường hợp tài sản gắn liền với đất đã kê biên thuộc sở hữu của người khác (khoản 1 Điều 113) thì chấp hành viên có quyền yêu cầu người có tài sản di chuyển hoặc tháo dỡ tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải THA, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Do đó, dù tài sản của bà Hoàng có trước hay sau thời điểm THA huyện kê kiên (năm 2012) thì khi bán đấu giá cũng phải tính giá trị số tài sản này. Dù việc giao tài sản đã xong nhưng Cục THA vẫn nên rà soát tính toán lại giá trị số tài sản dư ra cho bà Hoàng.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm