Việc điều khiển các hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga sẽ hoàn toàn nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết hôm 31-7, theo Daily Sabah.
Ông Demir cho hay Mỹ chưa đưa ra lời giải thích kỹ thuật cho lập luận rằng hệ thống phòng thủ S-400 và máy bay chiến đấu F-35 không thể hoạt động cùng nhau, đồng thời lần nữa chỉ trích quyết định của Mỹ đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình phát triển F-35. Ông Demir cho rằng quyết định của Mỹ vô cùng không hợp lý.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bắt đầu triển khai S-400 vào tháng 4-2020. Ảnh: Daily Sabah
Mỹ trước đó cho biết đã đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì nước này mua hệ thống S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35 và các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia chế tạo máy bay hiện đại này, sản xuất một số thành phần quan trọng của máy bay.
Ông Demir nhấn mạnh rằng họ cũng đang nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tương đương S-400 với các đặc tính tốt hơn, nhấn mạnh rằng một loạt tên lửa phòng thủ do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển như Hisar và Siper sẽ bắt đầu được bàn giao cho quân đội vào năm 2021.
Các hệ thống tên lửa phòng thủ nội địa tầm ngắn Hisar-A và tầm trung Hisar-O do nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Roketsan và Aselsan sản xuất.
Tên lửa Hisar là vũ khí phòng không được phát triển để bảo vệ các căn cứ quân sự, khu cảng, cơ sở và binh sĩ trước các đe dọa từ trên không cũng như để đáp ứng nhu cầu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ về hệ thống an ninh phòng không tầm ngắn và tầm trung.
Các hệ thống radar, chỉ huy và điều khiển, và hệ thống kiểm soát hỏa lực của Hisar do Aselsan phát triển, còn Roketsan chịu trách nhiệm phát triển tên lửa.
Các hệ thống Hisar phát huy tác dụng khi chống lại máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và tên lửa không đối đất.
Về hệ thống Siper, đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Đây là sản phẩm của các nhà thầu quốc phòng Sage, Aselsan và Roketsan.