Đối với Mỹ, việc sử dụng chứng cứ ADN để xác định tội phạm không phải là điều mới mẻ. Nhưng cách “sở hữu” chúng vẫn là chuyện gây tranh cãi trong hệ thống tư pháp hình sự ở quốc gia này.
Khai để được chỉ ở tù 15 năm
Tháng 12-2001, người thanh niên 19 tuổi tên là Joseph Buffey bị bắt vì bị cáo buộc đã xâm nhập ba cửa hàng ở TP Clarksburg, bang Virginia (Mỹ). Bị cảnh sát thẩm vấn, Buffey thừa nhận đã đột nhập cửa hàng. Sau đó, cảnh sát bắt đầu thẩm vấn anh ta về một tội nghiêm trọng hơn xảy ra vào sáng hôm sau: Cướp và hiếp dâm một quả phụ 83 tuổi sống cách cửa hàng mà Buffey khai nhận đã xâm nhập chưa tới nửa dặm.
Nạn nhân là mẹ của một sĩ quan cảnh sát. Khi khai với cảnh sát về vụ tấn công, bà miêu tả quần áo, con dao và cây đèn pin của kẻ đã tấn công bà. Bà bảo tên đó che nửa dưới khuôn mặt của hắn bằng cái khăn rằn nhưng bà nhìn thấy đôi chân trần da trắng của hắn.
Vì Buffey là người da trắng, sống ở khu vực người phụ nữ bị tấn công và đang bị cáo buộc xâm nhập cửa hàng, cảnh sát thẩm vấn cậu ta suốt chín tiếng đồng hồ về vụ cướp và hiếp dâm mà chẳng cho nghi can ăn uống một thứ gì. Rồi họ chuyển sang ghi âm. Thời điểm đó, lúc 3 giờ 25 sáng, Buffey nói anh ta “đột nhập vào nhà bà già đó” - nơi mà Buffey không hề biết cũng chẳng bao giờ bén mảng tới. Sau khi Buffey nhận tội mấy phút, một điều tra viên hỏi: “Mày sợ cái gì?” “Ông thực sự muốn biết sự thật phải không?” Buffey nói với viên cảnh sát rằng cậu ta nhận tội “gây ra vụ tấn công bà già” bởi vì cảnh sát buộc anh đã gây ra vụ án đó.
Buffey được chọn một luật sư. Đó là Thomas Dyer. Luật sư Dyer đòi các công tố viên trưng kết quả khám nghiệm ADN mà phòng thí nghiệm pháp y của cảnh sát bang đang tiến hành. Buffey nói với luật sư Dyer rằng kết quả xét nghiệm sẽ làm sáng tỏ vụ án. Suốt mấy tháng sau đó, luật sư Dyer liên tục gọi điện thoại hỏi kết quả khám nghiệm ADN nhưng được cơ quan chức năng cho hay không có báo cáo nào từ phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, các công tố viên nói với Buffey rằng nếu anh ấy nhận tội hiếp dâm và cướp, họ sẽ xóa những nội dung buộc tội khác đối với cậu ta, phần lớn có liên quan đến hành vi xâm nhập cửa hàng (!?). Án tù rất có thể là 15 năm.
Ông Barry Scheck (trái), Giám đốc Dự án Giúp đỡ người vô tội, trao đổi với các công tố viên. Nguồn: AP
Lỗi tại nghi can nhận tội trước kết quả ADN (!?)
Cho tới tháng 5-2002, các công tố viên vẫn cho biết họ không có kết quả khám nghiệm ADN. Buffey đã nhận tội hiếp dâm và cướp. Người dân Clarksburg - một thành phố nhỏ chỉ có 16.000 dân - vẫn còn ám ảnh về vụ tấn công ghê tởm và thay vì 15 năm tù như đã tưởng, Buffey bị kết án từ 70 đến 110 năm tù.
Tháng 12-2002, từ trong tù, Buffey gửi đơn kháng án, cho rằng anh bị ép cung nên đã nhận một cái tội mà anh không hề gây ra, đòi xác minh chứng cứ ADN. Cuối cùng Buffey nhận được văn bản từ phòng thí nghiệm pháp y của bang. Theo đó, họ khẳng định ADN thu được từ tinh dịch lưu lại trên người nạn nhân không khớp với tinh dịch của Buffey. Chưa hết, báo cáo ADN được hoàn thành trước khi tòa chấp nhận lời thú tội của Buffey sáu tuần, thế nhưng công tố viên không giao cho luật sư của bị cáo.
Giới công tố viên cho rằng Buffey tự nhận tội trước khi biết kết quả ADN, thế nên anh ta không thể trách cơ quan chức năng.
Nghi phạm Joseph Buffey bị các công tố viên và cảnh sát ép khai nhận tội hiếp dâm trong khi kết quả khám nghiệm ADN lại cho thấy anh không có tội. Nguồn: AP
Phải công bố kết quả khám nghiệm ADN
Tại phiên tòa diễn ra hồi năm 2004, sau khi Buffey nộp đơn xin cứu xét, phía khởi tố lập luận rằng kết quả khám nghiệm ADN không xác định Buffey có tội. Ronald Perry, một trong hai người bị bắt cùng với Buffey trong vụ xâm nhập cửa hàng, khai rằng Buffey kể với cậu ta rằng Buffey và một người anh họ đã đè nạn nhân xuống và thực hiện hành vi hiếp dâm. Điều này mâu thuẫn với lời khai của chính nạn nhân; bà này chưa bao giờ đề cập đến một thủ phạm thứ hai nào.
Khi nhân viên y tế khám nghiệm và hỏi bà có kẻ thứ hai nào tham gia nữa không, bà cũng trả lời là không (vào thời điểm khai, Perry đề nghị nhân viên công tố giúp đỡ anh ta được giảm tội dựa trên cơ sở anh ta hợp tác làm rõ tội trạng của Buffey. Người bạn còn lại lúc đầu khai Buffey tham gia hiếp dâm nhưng về sau đã thừa nhận đó là một sai lầm). Vậy mà thẩm phán vẫn buộc tội Buffey.
Năm 2010, một luật sư ở bang Tây Virginia là Allan Karlin bắt đầu đại diện cho Buffey, đề nghị làm rõ vấn đề khám nghiệm ADN. Kết quả hoàn toàn giải tội cho Buffey, theo một báo cáo có chữ ký của biện lý Schechtman và 30 biện lý khác.
Thế rồi năm 2012, sau 18 tháng đấu tranh, vụ kháng cáo đã giành thắng lợi, tòa phải sử dụng kết quả từ cơ sở dữ liệu hình sự quốc gia. Cơ quan chức năng thừa nhận kết quả ADN ứng với người đàn ông có tên là Adam Bowers chứ không phải Buffey. Vào thời điểm xảy ra vụ hiếp dâm, Bowers 16 tuổi và sống cách nạn nhân mấy căn nhà. Cậu này cũng bị cáo buộc cố hiếp dâm một phụ nữ khác vào tháng 10-2001 và đang bị giam do tội đột nhập một nhà dân để ăn trộm.
Hiện nay, hầu hết các tòa án đồng ý bị đơn được tiếp cận với chứng cứ ADN trước khi nhận tội nhưng cũng có tòa không đồng ý. Nếu như vậy thì án lệ Brady chỉ có tính chất biểu tượng chứ không có tác dụng thực tế trong hệ thống tư pháp hình sự.
Ông Steven Benjamin, Chủ tịch Hội Luật sư hình sự Quốc gia Mỹ, giải thích: Để được gỡ tội, người ta thường dựa vào cảnh sát và các công tố viên để xác định thông tin có thể loại trừ sự nghi ngờ đối với bị can. Nhưng vướng mắc ở đây chính là việc cảnh sát và công tố viên, những người có động cơ và có năng lực nhất để làm sáng tỏ vụ án, lại thường có xu hướng ép hoặc bức cung nghi phạm. Khi họ điều tra ai đó tình nghi thì thường họ lại tìm mọi cách để nghi phạm khai là có tội. Vì thế nhiều lúc họ xem toàn bộ chứng cứ, ví dụ như kết quả ADN là thứ không cần thiết, hoặc họ xem nhẹ vì cho rằng kết quả ADN chỉ là cái lăng kính làm sai lệch công việc xác định tội phạm của họ. Thay vì làm sáng tỏ vụ án và tìm ra hung thủ, giải oan cho người vô tội, cảnh sát và các công tố viên thường tìm cách gán ghép tội trạng cho người họ tin là tội phạm.
Sắp tới đây, tại Tòa án Tối cao bang Tây Virginia, 30 cựu công tố viên từ khắp nước Mỹ sẽ thực hiện một “bước đi đột phá” - đứng về phía bị cáo. Nhiều người tin rằng với kết quả khám nghiệm ADN, bản án từng dành cho Buffey sẽ được thay đổi. Bởi vì kết quả khám nghiệm ADN là bằng chứng có tính chất giải tội và dù tiếp cận bản xét nghiệm ADN có kịp thời hay không thì bị cáo hoàn toàn có khả năng được minh oan.
Giấu chứng cứ là “triệt tiêu công lý” Theo cựu biện lý liên bang Paul Schechtman, trong hệ thống pháp luật liên bang, bên công tố thường có nhiều nguồn thông tin và chứng cứ liên quan các vụ án hơn bên bị can. Họ thường là người có khả năng biết được thực hư vụ án hơn là bị cáo. Trong những trường hợp đó, khi bất kỳ ai phát hiện một tình tiết nào đó giúp cho bên bị can không bị buộc tội nhưng lại ngăn cản hoặc tìm cách giấu giếm thì đó là hành vi “triệt tiêu công lý”. |