Thời khắc lịch sử ở Bộ Tổng tham mưu

LTS: Nhân kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014), Pháp Luật TP.HCM đã gặp lại Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, người khi ấy là thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện giúp mọi người hiểu hơn về cuộc chiến khổng lồ của dân tộc và không khí tại cơ quan đầu não chỉ huy toàn chiến dịch lúc ấy.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã khép lại cách nay 39 năm. Thế nhưng khi gợi nhắc lại cột mốc lịch sử hệ trọng của dân tộc, Thiếu tướng Hoàng Dũng (năm nay 87 tuổi, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu; trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 ông là thư ký của Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng) bùi ngùi: “Nhắm mắt lại cứ ngỡ mọi thứ như vừa mới xảy ra. 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, ở Bộ Tổng tham mưu khi ấy, một không khí bồi hồi không thể diễn tả nổi… Và cuối cùng niềm vui sướng đã vỡ òa sau bao nhiêu năm đợi chờ”.

“Bây giờ có chết tôi mới nhắm mắt được”

Chỉ tay về phía bức hình hai màu đen-trắng phóng to treo ở gian giữa, thời khắc lịch sử ấy như hiện về theo tiếng giọng ấm trầm của Thiếu tướng Hoàng Dũng: Bức hình này ghi lại thời khắc lịch sử trưa 30-4 năm ấy tại tổng hành dinh của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong bức hình này có Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh Đại tướng Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh, tham mưu, tác chiến đang lắng nghe lời tuyên bố đầu hàng qua radio trên Đài Phát thanh Sài Gòn của Tổng thống Dương Văn Minh. “Sau lời tuyên bố đầu hàng ngắn gọn của Dương Văn Minh, một không khí vỡ òa, không có từ ngữ nào có thể lột tả hết tâm trạng của các tướng lĩnh tại Sở Chỉ huy lúc đó. Người thì lấy tay vỗ ầm ầm lên mặt bàn, người thì thét lên vì sung sướng, người khác lại bần thần không lột tả được cảm giác như thế nào. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh anh Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh chiến dịch, phụ trách hậu cần khi ấy. Ngày thường anh là một người hoạt bát, luôn hô hào lên dây cót cho anh em nhưng lúc đó lại lặng người không nói một lời nào, nước trên hai khóe mắt tự nhiên tuôn trào và ông thốt lên: “Bây giờ có chết tôi mới nhắm mắt được” - tướng Dũng bồi hồi nhớ lại.

 
11 giờ 30 ngày 30-4-1975, tại Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Tất cả đang lắng nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh qua chiếc radio đặt giữa bàn. (Ảnh do Thiếu tướng Hoàng Dũng cung cấp)

Thiếu tướng Hoàng Dũng khái quát: Có được cuộc toàn thắng thống nhất đất nước 30-4 là cả một quá trình nghiên cứu chuẩn bị lâu dài, rất kỹ lưỡng. Kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tám lần trình lên mới được Bộ Chính trị thông qua.

Thiếu tướng Hoàng Dũng kể tiếp, có ba vấn đề trọng tâm cần giải quyết để kết thúc cuộc chiến này: Một là phải nhanh chóng tập trung một lực lượng mạnh đủ sức đánh, đánh sụp nhanh đối phương, bởi về tương quan dù 2/3 lực lượng bên kia dù đã tan rã nhưng về tổng thể vẫn còn mạnh, với bốn quân đoàn gồm 20 sư đoàn. Trong đó, quân đoàn 1 đóng ở miền Trung, quân đoàn 2 ở Tây Nguyên, quân đoàn 3 ở thủ phủ Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ, quân đoàn 4 trấn giữ ở miền Tây. Thứ hai tìm cách đánh và chọn mục tiêu chủ yếu để đánh sao cho khi đã đánh là thắng nhanh và địch suy sụp nhanh. Thứ ba là khi đánh vào các mục tiêu chỉ huy đầu não (gồm dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát) phải đảm bảo tiêu diệt nhanh nhưng không gây thiệt cho người dân (lúc đó Sài Gòn có khoảng 2 triệu dân), không tàn phá các cơ sở kinh tế, khoa học, hạ tầng giao thông, đô thị...

Sau các chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến các chiến dịch Huế, Đà Nẵng đã khiến hệ thống phòng thủ của chính quyền miền Nam bị vỡ ra nhanh chóng. Đến ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã tới, phải tiến lên giải phóng toàn miền Nam trước mùa mưa. Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị cử thêm ông Lê Đức Thọ vào Sở Chỉ huy chiến dịch làm cố vấn” - Thiếu tướng Dũng kể lại.

 
Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng (đeo kính) kiểm tra một hướng tấn công của Quân đoàn 2. (Ảnh do Thiếu tướng Hoàng Dũng cung cấp)

“Nội công, ngoại kích”

Theo kế hoạch và thế trận bố trí, các cánh quân của ta chọc thẳng vào Sài Gòn theo bốn hướng. Hướng bắc do Quân đoàn 1 đảm trách, đông và đông nam do Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4, hướng tây và tây bắc do Quân đoàn 3 và hướng tây nam do Đoàn 232 (tương đương một quân đoàn) phụ trách. “Tóm lại đây là một cuộc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của dân tộc cả về không gian và thời gian, bởi chỉ trong một thời gian có 20 ngày nhưng đã huy động quân số lên đến 25 sư đoàn. Cá biệt, có đơn vị được hành quân xa nhất, với chiều dài 1.500 km. Cùng đó khoảng hai vạn xe các loại để chuyển quân và vận chuyển vũ khí. Tính đến ngày 24-4-1975, chỉ trong 20 ngày, các lực lượng đã được bố trí tại bốn hướng đánh thẳng vào Sài Gòn” - Thiếu tướng Hoàng Dũng thuật lại.

Về cách đánh, ta bố trí một lực lượng vừa phải để tiêu diệt, cầm chân lực lượng địch phòng ngự từ xa không cho địch quay vào cố thủ. Cùng đó dùng lực lượng cơ giới mạnh, quy mô sư đoàn chọc thẳng vào các mục tiêu đã định. “Lực lượng tấn công mạnh, di chuyển bằng cơ giới, đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não chủ yếu của địch. Trên từng hướng thọc sâu đều có các lực lượng đặc công, biệt động tinh nhuệ đánh chiếm các cây cầu không để địch phá hủy trước. “Với cách đánh đó từ ngày 26-4 đến đêm 29-4, các cánh quân đã áp sát Sài Gòn” - tướng Hoàng Dũng kể tiếp.

Cụ thể từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa 30-4-1975 thì đánh tan rã các ổ kháng cự của địch. Các cơ sở kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vẫn giữ nguyên vẹn không bị tàn phá, bởi trước đó đã xác định rõ mục tiêu đánh chỉ là các cơ quan đầu não. Thiếu tướng Hoàng Dũng nhận định: “Để làm nên chiến thắng lịch sử 30-4 không thể không nói đến công lao của các lực lượng tại chỗ trong nội thành, gồm đặc công, biệt động thành và đông đảo quần chúng cách mạng phối hợp ăn ý giữa “nội công, ngoại kích. Không có lực lượng tại chỗ thì lực lượng chủ lực không thể đánh nhanh, thắng nhanh được”.

 
Thiếu tướng Hoàng Dũng giới thiệu những tư liệu lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: P.ĐIỀN

Cả vạn người cùng về một hướng

Thiếu tướng Hoàng Dũng đánh giá đây là cuộc điều binh vĩ đại nhất của dân tộc ta, quân đội ta từ xưa đến nay. Về mặt chỉ huy, đây là kế hoạch hết sức chi tiết để bảo đảm trong vòng 20 ngày điều động một lực lượng 30 vạn quân từ các hướng dồn ra chiến trường. Quy mô đến mức Bộ Tổng tư lệnh cử đến ba phó tổng tham mưu trưởng vào trực tiếp điều khiển, đôn đốc cuộc hành quân.

Cuộc điều binh này đã huy động lực lượng rất lớn gồm đầy đủ các quân binh chủng và cái khó ở đây là với một lực lượng lớn như thế nhưng thời gian thực hiện thì lại rất ngắn. Đây cũng là cuộc hành quân thần tốc gắn với bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…). “Có thể nói đây là cuộc hành quân cả dân tộc ra trận chứ không phải chỉ các binh đoàn. Hàng vạn quân đi như nước chảy và chỉ đi về một hướng” - tướng Dũng nói về hình ảnh đoàn xe dài tít tắp ầm ào xông vào chiến trường miền Nam; các con đường hướng ra mặt trận bụi cuốn mù mịt, xe phải bật đèn mới đi được… như sống lại theo từng lời kể của ông. “Xe đi rầm rầm như chưa ngừng lại bao giờ, xe nào hư hỏng thì gạt sang một bên để cho xe khác tiến lên. Và cứ thế, cứ thế… cho đến ngày thống nhất”.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm