Sau loạt bài “Đường dây “chăn dắt” ăn xin” mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong những ngày qua, nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước hành vi kiếm ăn trên những phận người.
Người nào cũng có thể lao động
Tôi không đồng tình với việc cho tiền người ăn xin vì điều này vô tình mình đã tiếp tay cho những kẻ lười lao động, thích sống bám vào người khác.
Mọi người ai cũng có thể lao động tùy theo sức khỏe của mình. Sống trong xã hội hiện nay, có rất nhiều nghề để kiếm tiền đâu nhất thiết phải ngửa tay xin tiền người khác. Nếu sức khỏe yếu thì ta có thể bán vé số hay nhặt ve chai… Người tàn tật, người nghèo thì có thể vào các viện dưỡng lão hoặc trung tâm bảo trợ xã hội… Nhà nước ta hiện nay luôn có những chính sách dành cho những hoàn cảnh khó khăn đó.
NGUYỄN ĐIỆU NGỌC, 292B Trần Phú, ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, Tây Ninh
Giả tạo để lừa người khác
Có lần thằng bạn cùng xóm rủ tôi vào chùa xin ăn. Nó nói: “Mày cứ đi theo tao, làm việc này dễ có tiền lắm, cứ ngồi khoảng một buổi ở trong chùa có khi được cả triệu chứ chẳng chơi. Nhưng xin ăn cũng cần có nghệ thuật, cái quan trọng là làm sao mày có thể hóa trang thành một người đầy thương tâm để người ta phải động lòng. Trước tiên mình buộc hai chân lại, đi bằng hai cái ghế. Sau đó bôi ít thuốc đỏ vào người, làm như mình đang bị thương tật là được”. Tôi không bằng lòng với cách làm đó.
Qua câu chuyện này, tôi muốn mọi người nên thận trọng với những người như thằng bạn của tôi, đừng quá dễ đặt lòng tin vào người khác đến thế.
NGUYỄN HỒNG HẢI, ấp Mỹ An, huyện Thủ Thừa, Long An
Đừng tiếp tay
Người ta thường lên án người ăn xin, những kẻ “chăn dắt” mà ít ai tự đặt ra câu hỏi ngược lại vì sao tệ nạn ăn xin có thể tồn tại. Nếu như cả xã hội này cùng đồng lòng không cho tiền ăn xin thì chắc chắn sẽ không bao giờ tồn tại những người “chăn dắt”. Đặt trường hợp nếu như không có người cho tiền thì với bản năng sinh tồn của con người, những người xin ăn sẽ tự động chuyển qua một nghề khác để sinh sống. Những người ăn xin họ sẵn sàng bán một phần nhân phẩm của mình để lấy tiền, còn người cho tiền họ lại tự nghĩ và thấy nhân phẩm của mình được cao hơn khi ban cho người khác tiền. Điều này cần phải nhìn nhận lại.
Một chuyên gia tâm lý xã hội học
Cái giả lấn át sẽ làm giảm lòng thương
Tôi nhờ hồi tôi còn nhỏ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, ba mẹ tôi phải làm việc ngày đêm để có tiền lo cho các anh em tôi ăn học. Có những lúc vì không có tiền đóng học phí, tôi ước gì có một ai đó cho mình tiền để trang trải ít nhiều gì cũng được. Giờ cuộc sống gia đình tôi có phần khá hơn nhưng tôi lúc nào cũng nhớ đến cái thời khổ cực ngày xưa. Và điều này khiến tôi hay chạnh lòng với những số phận nghèo thường phải ngày đêm ra đường xin từng đồng của người khác để sống. Tôi nghĩ những người xin ăn ngoài hè phố chắc chắn hoàn cảnh họ thương tâm lắm mới có đủ can đảm bỏ hết sĩ diện mình để lấy những đồng tiền lẻ của người khác. Tuy nhiên, xã hội hiện nay muôn màu muôn vẻ, thật giả lẫn lộn, đôi khi tôi cũng muốn giúp người nào nghèo thật sự nhưng lại ngại cho nhầm kẻ lười lao động để sống trên lòng thương hại người khác. Tôi chỉ muốn lòng tốt của mình đặt đúng chỗ.
NGUYỄN PHẠM NGUYÊN, 8/14 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh,
quận Tân Phú, TP.HCM
Lên án kẻ ăn trên mồ hôi, nước mắt người khác Tôi không chấp nhận nạn “chăn dắt” ăn xin, càng không muốn có tình trạng ăn xin. Một người lành lặn, khỏe mạnh thì không thể viện bất cứ lý do gì để ăn trên mồ hôi, nước mắt, ăn trên lòng tự trọng của con người. Xã hội cần lên án thật gay gắt đối với những kẻ kiếm ăn trên những phận người như thế và phải có những hình thức xử lý thích hợp khi ta phanh phui ra được những đường dây này. NAM NGUYÊN |