4 giải pháp trụ cột để kinh tế phục hồi, tăng tốc

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đều cho rằng: Cần một gói chính sách và gói kích thích kinh tế, quy mô đủ lớn, thậm chí lên tới 844.000 tỉ đồng như có chuyên gia đề nghị để phục hồi và phát triển cả trong dài hạn.

Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), liên quan đến vấn đề này.

Quan trọng là doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn

. Phóng viên: Thưa ông, nhiều nghiên cứu, khảo sát của VCCI và của các tổ chức khác cho thấy dịch COVID-19 tác động khủng khiếp đến doanh nghiệp (DN) và người dân. Nhìn chung, ông thy DN đãng phó vi dịch COVID-19 thế nào?

+ Ông Đậu Anh Tuấn: Dịch COVID-19 xảy ra là “chưa có tiền lệ”, tác động cực kỳ lớn tới DN và cả nền kinh tế. Nhưng sau đó, các biện pháp ứng phó với cú sốc bất lợi do dịch COVID-19 gây ra cũng có nhiều chuyển biến.

Điều cần ghi nhận là các DN trong suốt hai năm qua luôn cố gắng bảo đảm an toàn cho người lao động, cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ bằng được việc làm trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, nhất là sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 được ban hành.

. Tại diễn đàn hôm nay, nhiều ý kiến đã bàn về các giải pháp ngắn hạn. Một cách vắn tắt, ông nghĩ cần những giải pháp nào để DN và người lao động có thnhanh chóng phc hi?

+ Tôi cho rằng cần phải tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN từ khâu hoạch định đến hướng dẫn. Tránh tuyệt đối việc áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa do dịch COVID-19 để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của DN. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các chương trình hỗ trợ DN lập và triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh liên tục trong tình hình dịch bệnh trong tinh thần quan tâm, giải quyết các khó khăn tài chính cho DN.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã nói đến các gói hỗ trợ phục hồi và tôi cho rằng giải pháp quan trọng là tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận được vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần có chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền. Bởi thực tế là các chủ trương và chính sách hỗ trợ của Chính phủ gần đây được cộng đồng DN đón nhận và đánh giá cao. Nhưng cần phải có hướng dẫn, thủ tục minh bạch thì mới được thực thi tốt, thuận lợi và hiệu quả.

Giải pháp quan trọng là tạo thuận lợi cho DN tiếp cận được vốn để phục hồi sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chính sách chống dịch đừng làm đứt gãy chui sn xut

. Dù gì đi nữa thì sau diễn đàn này, chúng ta cũng phải đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Hình như ông gọi điều này là “tái khởi động nền kinh tế”.

+ Nền kinh tế, có nghĩa là không chỉ các DN trong chuỗi cung ứng được quan tâm, mà ngay cả các hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ cũng phải được quan tâm như vậy. Và để sản xuất, kinh doanh được phục hồi và nhanh chóng tăng tốc, các quy định về phòng chống dịch cũng như lộ trình mở cửa trở lại cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo chuỗi sản xuất được thông suốt.

Và như tên của diễn đàn là “phục hồi và phát triển bền vững”, hai chữ P này rất quan trọng, phục hồi để phát triển nhưng phát triển phải vững bền, các chính sách phải mang lại tác động tích cực trong dài hạn. Chúng ta vẫn phải giữ được thành tích ổn định vĩ mô mà nhiều năm qua đã tái lập được.

. Từ diễn đàn hôm nay, nhìn về dự kiến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, ông nhận định thế nào?

+ Tôi cho rằng cải cách thể chế là một trong những giải pháp quan trọng mà cả Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ này đang tiến hành ở nhiều chương trình. Mới đây nhất, Chính phủ trình dự luật “một luật sửa tám luật” với tinh thần tập trung tháo gỡ các cản trở, vướng mắc hiện hữu và tăng cường phân cấp, phân quyền, trao quyền nhiều hơn cho DN tư nhân, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp về tài khóa - tiền tệ, tôi cho rằng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính nếu được quan tâm hơn nữa sẽ phát huy được tác động quan trọng của nó trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

Cải cách thể chế với hai chương trình trọng tâm

. Ông nói đến ci cách thchế, vy cthể đó là chương trình gì?

+ Chúng tôi đề xuất có thể xem xét thực hiện một số chương trình cải cách trọng tâm, chẳng hạn như: i) Chương trình cải cách chính sách, thủ tục trong hoạt động đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan như đất đai, tài nguyên môi trường nhằm giúp dự án đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động, nhanh chóng hoàn tất các dự án đang bị đình trệ, giải phóng nhiều nguồn lực đang bị ách tắc; ii) chương trình đẩy mạnh cải cách hơn nữa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó trọng yếu là thủ tục hành chính hải quan và thủ tục kiểm tra chuyên ngành giúp thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng thành công cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.

Đây là hai lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn tới nền kinh tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến cả đầu tư công lẫn đầu tư của tư nhân, có cả tác động tích cực trong định hướng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.

Nếu đầu tư xây dựng là những hoạt động đầu tiên mà DN thực hiện khi gia nhập thị trường thì xuất nhập khẩu hàng hóa là những khâu cuối cùng quyết định đến kết quả kinh doanh của DN. Nếu thực hiện tốt hai chương trình cải cách này, dòng vốn đầu tư tư nhân sẽ được khơi thông để chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và luồng hàng hóa xuất nhập khẩu của DN sẽ trở nên thông suốt, từ đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

. Từ kinh nghiệm làm pháp chế của mình, ông có nghĩ rằng diễn đàn này cùng với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc cải cách thể chế sâu rộng hơn?

+ Phải nói rằng chủ trương và định hướng cải cách thể chế của Đảng là rất nhất quán. Từ Đại hội XIII đến nay có thể coi là một quá trình chuẩn bị đã khá đầy đủ để tiến hành một “đột phá chiến lược về thể chế”.

Và tôi nghĩ với tư duy “trong nguy có cơ” thì dịch COVID-19 cũng là một cơ hội tốt cho cải cách thể chế khi cả hệ thống chính trị và người dân, DN đang đồng lòng, quyết tâm. Sự đồng lòng, quyết tâm trong lúc khó khăn ấy vừa tạo ra sức mạnh vừa tạo ra động lực để cải cách và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cải cách thể chế nếu được coi như một giải pháp đặc biệt quan trọng thì động lực phát triển sẽ rất mạnh mẽ. Bởi chúng ta hiểu rằng để có một môi trường đầu tư - kinh doanh tốt, một môi trường pháp lý thông thoáng, an toàn thì một hệ thống luật cần được thiết kế như bệ đỡ cho các chính sách. Mà nếu cải cách thể chế là trọng tâm thì nguồn lực dành cho công tác này là nhỏ nhưng lợi ích, kể cả về chính trị, thì rất lớn.

. Xin trân trọng cám ơn ông.

 

Môi trường kinh doanh không thuận lợi là lực cản rất lớn

. Có quan điểm cho rằng “pháp luật rất đắt đỏ”. Có phải ý ông cũng như vậy?

+ Một thể chế hoặc một hệ thống pháp luật nếu không thông thoáng, an toàn, minh bạch và dễ tiếp cận, tiên liệu thì chắc chắn thời gian và chi phí gây ra cho DN khi phải tuân thủ là rất lớn. Cùng với đó, hình ảnh về một môi trường kinh doanh không thuận lợi do hệ thống như vậy gây ra cũng là lực cản để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia. Pháp luật đắt đỏ là do ý nghĩa như vậy.

Thế nên tôi cho rằng: Nếu Chính phủ và Quốc hội có thể thiết kế một chương trình cải cách thể chế đồng bộ, toàn diện thì như chủ tịch VCCI của chúng tôi nói, chương trình đó có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” hàng trăm ngàn tỉ đồng. DN tiết kiệm được chi phí, nguồn lực quốc gia được giải phóng và tạo đà cho nền kinh tế bứt phá nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.


Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng là tự giúp mình

Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như thế khi phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” chiều tối 5-12.

Người đứng đầu QH đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết rồi sẽ thế nào, bao giờ chấm dứt. Hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra là rất nặng nề, sâu rộng cho các nước trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Dẫn lại tính toán của Phó Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Thành Phong, Việt Nam sau hai năm đại dịch, chịu thiệt hại khoảng 37 tỉ USD, tương đương 847.000 tỉ đồng, ông Huệ nhấn mạnh: “Đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp về GDP, chưa tính những thiệt hại khác”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 ngày 5-12. Ảnh: DOÃN HẢI

Từ ý kiến của các đại biểu, ông Vương Đình Huệ cho rằng chính sách hỗ trợ cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai sớm sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cải cách, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN) và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế…

Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và các DN bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Trong đó đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững…

“Cần xác định đúng, trúng các đối tượng hỗ trợ để tạo ra tác động lan tỏa, kích thích
phục hồi nền kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn
đầu tư” - ông Huệ nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng lưu ý một “điểm nghẽn” của Việt Nam là khả năng hấp thụ của nền kinh tế nên cần cải thiện điều này. Bên cạnh đó là tác động đa chiều của chính sách, “độ trễ” của chính sách.

Với tính chất của các gói hỗ trợ, về ngắn hạn có thể phải chấp nhận một số vấn đề như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát cứng theo từng năm. Nhưng trong giai đoạn dài hạn thì phải đảm bảo được các chỉ số an toàn về tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách. “Tôi thấy điểm này các ý kiến nêu ra rất đúng” - ông Huệ nói.

Về bản chất của khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này, Chủ tịch QH đồng tình với các ý kiến cho rằng nguyên nhân dịch bệnh khác với khủng hoảng kinh tế, tài chính. Với tính chất ấy, nhiều nước tung ra các gói kích thích, thậm chí siêu nới lỏng cả về tài khóa và tiền tệ, vừa để đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhưng cũng để đề phòng cũng như giảm thiểu tiêu cực của suy giảm kinh tế theo chu kỳ.

“Chúng ta thống nhất với nhau là Việt Nam không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng y tế mà tính toán cả vấn đề lâu dài, tức là vấn đề cơ cấu, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng bền vững” - ông Huệ nói.

Đáng chú ý, Chủ tịch QH cho rằng tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN chính là để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, cho hệ thống ngân hàng. “Ở đây không phải là Nhà nước, ngân hàng đứng ra làm ơn, ban ơn. Nhà nước, ngân hàng đứng ra hỗ trợ DN thì cũng là tự mình giúp mình. Không có DN thì làm gì có việc làm, làm gì có thu nhập, làm gì có thuế, làm gì có lợi nhuận cho ngân hàng” - Chủ tịch QH nói. ĐỨC MINH - CHÂN LUẬN


Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương:

Cần gói kích thích tiêu dùng nội địa, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Nếu năm 2020, 2021 không có đại dịch xảy ra, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 7% nhưng trong thực tế, năm 2020 chỉ tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến cũng chỉ tăng 2,5%. Như vậy, năm 2020 giá trị thiệt hại khoảng 160.000 tỉ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỉ đồng. Cả hai năm số thiệt hại về giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỉ đồng, đó là tính theo giá năm 2019. Nếu tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.

Để giảm đi thiệt hại về mặt kinh tế, chúng ta phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp, cách thức làm sao nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các động lực tăng trưởng chính hiện nay: Đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm và chuyển đổi số là yếu tố thời đại.

Ông Nguyễn Thành Phong (trái) Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần có gói kích thích tiêu dùng để khơi thông lại tiêu dùng nội địa. Ảnh: ĐM

Để có thể tận dụng được sức mạnh thời đại thì đầu tư phải chú trọng vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay... Việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào việc sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng tiêu dùng nhập khẩu hiện nay. Kinh nghiệm phát triển của Việt Nam cho thấy xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để neo giữ kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư trong nước.

Đầu tư trong nước là quan trọng, trong đó đầu tư của Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt. Đầu tư nhà nước sẽ đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư vào nhân lực, khoa học công nghệ… tạo nền tảng để thúc đẩy đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân phát triển.

Tiêu dùng nội địa gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu cũng gặp trở ngại do chi phí logistics rất cao, hệ thống cung ứng lao động chưa được thiết lập, chi phí chữa bệnh cao… Để khơi thông hai động lực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cần phải có các gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng và giảm được chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) bằng việc hỗ trợ chi phí phòng bệnh, chữa bệnh cho các DN, chi phí thuê nhà ở, chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động, chi phí trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định, chi phí về nghĩa vụ thuế…

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Bối cảnh đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt

Cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn. Theo đó, không nên quá câu nệ vào các vấn đề tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm… mà phải chuyển rất mạnh sang việc ngân hàng phải đồng hành cùng các DN, giải ngân cho vay theo các hợp đồng mà DN cần phải đưa vốn vào sản xuất. Nếu làm được việc này thì có lẽ người ta sẽ không coi trọng các tiêu chí truyền thống trong việc bảo đảm các điều kiện để vay vốn mà quan trọng là xem đồng tiền đi đâu, cho vay vào việc gì.

Bối cảnh dịch COVID-19 đang chuyển đổi rất mạnh sang việc không dùng tiền mặt. Nếu toàn bộ dòng vốn đổ vào chúng ta lại quản lý không giao dịch tiền mặt thì tiền đi đâu ngân hàng hoàn toàn kiểm soát được và chúng ta yên tâm không có tình trạng tiền đó người vay rút ra lại gửi ngân hàng lòng vòng để lợi dụng trục lợi chính sách như những năm trước đây.

Ngoài giải pháp truyền thống thì trong bối cảnh đặc biệt phải thực hiện những giải pháp đặc biệt. Rất cần đặt hàng cho các tập đoàn tư nhân thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chứ không phải dựa vào các dự án đầu tư do những cơ quan nhà nước, địa phương, bộ ngành thực hiện. Chúng ta dùng các tập đoàn tư nhân để phát triển công trình và chúng ta trả tiền cho họ bằng vốn đầu tư công này thông qua phương thức đặt hàng, vừa nhanh vừa hiệu quả.

Chúng ta có cơ hội để dùng tiền vốn đầu tư vào những lĩnh vực lâu nay chúng ta thấy có thể bị cạnh tranh. Nếu tiền đổ vào sản phẩm làm cho giá tăng lên có thể dẫn đến nguy cơ đầu cơ nhưng bây giờ chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…, nếu dòng tiền này đầu tư vào các chương trình phát triển các công trình đó thì không tạo ra bong bóng mà lại là cơ hội để chúng ta đầu tư phát triển.

TS CẤN VĂN LỰC, thành viên nhóm nghiên cứu của Thường trực
Ủy ban Kinh tế:

Chính sách hỗ trợ phải đủ lớn, đủ dài

Các nhóm chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế - xã hội cần bảo đảm và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của DN; an sinh xã hội. Thời gian thực hiện của chính sách chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023.

Đối tượng trọng tâm của chính sách là lao động và người sử dụng lao động. Trong đó phải đáp ứng một trong các tiêu chí cơ bản như có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng, có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chưa thể bố trí nguồn thay thế, thuộc những lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Các dự án cơ sở hạ tầng như liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa; trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời cần bổ sung.

Cần tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí BHXH, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho DN nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho DN nhỏ và vừa.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần rà soát; ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa, trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; các dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời (cả vốn đối ứng dự án nguồn ODA) cần bổ sung… CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm