Chủ tịch Quốc hội: 'Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết'

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 bế mạc chiều tối nay, 5-12, sau một ngày làm việc được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá “đầy ắp thông tin”. Nhiều ý kiến đóng góp, đến từ nhiều cấp, từ cỡ Ủy viên Ban Thường vụ các tỉnh, lãnh đạo địa phương, đại diện cơ quan trung ương, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp tới 04 Uỷ viên Bộ Chính trị, 01 Bí thư Trung ương Đảng, 20 Uỷ viên Trung ương, 25 bộ trưởng, trường ban đảng, trưởng ngành.

Khách dự còn có chín vị đại sứ, đại diện lâm thời của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới và đại diện của năm tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tất cả các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế bền vững ở giai đoạn Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19.

Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết

Từ các tham luận, ý kiến tại Diễn đàn, người đứng đầu Quốc hội đánh giá tác động của đại dịch COVID là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết rồi sẽ thế nào, bao giờ chấm dứt. Hậu quả mà COVID gây ra là rất nặng nề, sâu rộng cho các nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Dẫn lại tính toán của Phó Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Thành Phong, Việt Nam sau hai năm đại dịch, chịu thiệt hại khoảng 37 tỉ USD, tương đương 847 nghìn tỉ, ông Huệ nhấn mạnh: “Đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp về GDP, chưa tính những thiệt hại khác”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: DOÃN TẤN

Tới đây, ban tổ chức sẽ có một báo cáo tổng thuật đầy đủ toàn bộ diễn biến và kết quả của Diễn đàn; tổ chức biên soạn, in kỷ yếu chính thức của diễn đàn để gửi đến các cơ quan hữu quan trong nghiên cứu hoạch định chính sách, gửi đến các ĐBQH… Đây là căn cứ để chuẩn bị cho các phiên họp tới đây của UBTVQH và cho kỳ họp bất thường của QH dự kiến diễn ra vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2022.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đề nghị gói hỗ trợ cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều là tổng cung. Đồng thời phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình…

Các gói hỗ trợ cần có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, DN… Thời gian thực hiện trong khoảng hai năm (2022- 2023), cùng lắm có thể một số tháng, quý đầu năm 2024 cho những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.

Tóm lược các góp ý này, vị Chủ tịch Quốc hội xuất thân từ ngành tài chính, kiểm toán lưu ý: “Ổn định vĩ mô mà giữ được thì rất lâu dài, rất khó nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Chúng ta phải thấm thía điều này. Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết do vậy, giải pháp trước mắt phải gắn với giải pháp lâu dài”.

Điểm nghẽn” là khả năng hấp thụ của nền kinh tế

Ông Vương Đình Huệ cũng nêu lại ý kiến các đại biểu, rằng chính sách hỗ trợ cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai sớm sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cải cách, tăng cường niềm tin của người dân, DN và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: DOÃN TẤN

Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và các DN bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID- 19; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Trong đó đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững…

“Cần xác định đúng, trúng các đối tượng hỗ trợ để tạo ra tác động lan toả, kích thích phục hồi nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả của dòng vốn đầu tư” - ông Huệ nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một “điểm nghẽn” của Việt Nam là khả năng hấp thụ của nền kinh tế nên cần cải thiện điều này. Bên cạnh đó là tác động đa chiều của chính sách, “độ trễ” của chính sách.

Với tính chất của các gói hỗ trợ, về ngắn hạn có thể phải chấp nhận một sốvấn đề như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát cứng theo từng năm. Nhưng trong giai đoạn dài hạn thì phải bảo đảm được các chỉ số an toàn về tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách.  “Tôi thấy điểm này các ý kiến nêu ra rất đúng” - ông nói.

Về bản chất của khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các ý kiến cho rằng nguyên nhân dịch bệnh khác với khủng hoảng kinh tế, tài chính. Với tính chất ấy, nhiều nước tung ra các gói kích thích, thậm chí siêu nới lỏng cả về tài khoá và tiền tệ, vừa để đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhưng cũng để đề phòng cũng như giảm thiểu tiêu cực của suy giảm kinh tế theo chu kỳ.

“Chúng ta thống nhất với nhau là Việt Nam không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng y tế mà tính toán cả vấn đề lâu dài, tức là vấn đề cơ cấu, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng bền vững” - ông nói.

Không phải Nhà nước, ngân hàng làm ơn, ban ơn mà là tự giúp mình

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp chính là để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, cho hệ thống ngân hàng. “Ở đây không phải là nhà nước, ngân hàng đứng ra làm ơn, ban ơn. Nhà nước, ngân hàng đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng là tự mình giúp mình. Không có doanh nghiệp thì làm gì có việc làm, làm gì có thu nhập, làm gì có thuế, làm gì có lợi nhuận cho ngân hàng” - ông nói.

Trước ý kiến cho rằng với chính sách tài khoá nên tập trung phát tiền trực tiếp cho dân, ông Huệ đồng ý một phần và lưu ý điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.

Theo ông, các nước phát triển, dư địa để có độ co giãn của cầu rất eo hẹp nên họ phát tiền mặt trực tiếp cho người thụ hưởng. Còn Việt Nam chỉ có hai cách, giữ nguyên thuế, thu về rồi chi; hoặc giảm thuế tiêu dùng.

"Chúng ta chọn cách thứ hai, rất công khai, minh bạch, tức thời, dễ thực hiện, đồng thời kích cầu tiêu dùng lên. Khó ló cái khôn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhưng phải biết vận dụng cho phù hợp, không phải máy móc” - Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Về kiến nghị của chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, nên hỗ trợ khoảng 3% lãi suất để tạo ra gói tín dụng khoảng 1 triệu tỉ cho nền kinh tế, Ông Huệ đánh giá giải pháp này “ít mà lại thành nhiều do có tác dụng lan toả”.

“Các đồng chí quan ngại năm 2007-2008 áp dụng không tốt là đúng rồi. Thời đó, làm Tổng Kiểm toán Nhà nước tôi biết, chúng ta hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu, không có tiêu chí cụ thể. Còn giờ chúng ta vẫn đang hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp. Hàng năm vẫn giải ngân và quyết toán bình thường”.

Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh: “Dễ thì làm, khó thì bỏ là không nên”.

Trong phát biểu, ông Vương Đình Huệ cũng "hoàn toàn đồng ý" với quan điểm doanh nghiệp cần thể chế, không cần tiền, trong chương trình phục hồi, các giải pháp hoàn thiện thể chế giữ vai trò quan trọng nhất.

Ông Huệ nhấn mạnh thông điệp quan trọng của Diễn đàn là Việt Nam cần tự lực tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, phải cải thiện năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh: “Ngạn ngữ có câu muốn đi xa thì đi cùng nhau, muốn đi xa mà đường xá gập ghềnh khó khăn như thế này thì càng phải đoàn kết bên nhau, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy