Chiều 26-8, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Cần Thơ, đại diện UBND TP đã trình HĐND TP thông qua nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.
Người dân gặp khó khăn ở Cần Thơ nhận xuất ăn miễn phí từ một mạnh thường quân. Ảnh: CHÂU ANH
Theo đó, UBND TP vẫn đề xuất hỗ trợ cho 5 nhóm lao động tự do, có điều chỉnh so với tờ trình cũ. Cụ thể, hỗ trợ đối với người lao động làm một trong các loai việc sau:
+ Bán lẻ xổ số lưu động.
+ Bốc vác; thu mua phế liệu; vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống); vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ; bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi; rửa xe, sửa xe; sửa chữa đồ gia dụng.
+ Làm việc theo thời vụ (lao động tay chân) trong lĩnh vực xây dựng.
+ Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể dục.
+ Làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, phương thức chi trả một lần.
Sau đó, Ban văn hóa - xã hội HĐND TP đã có báo cáo thẩm tra đối với dự thảo nghị quyết trên.
Theo bà Đinh Thị Minh Thư, Trưởng Ban văn hóa – xã hội, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài, đời sống người lao động nhất là người có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. Do vậy, Ban thống nhất trình HĐND TP xem xét, thông qua nghị quyết với phương thức hỗ trợ một lần.
Tuy nhiên, để nghị quyết khi ban hành mang ý nghĩa thiết thực, nhằm chia sẻ với người lao động giảm bớt khó khăn, giúp người lao động đảm bảo cuộc sống tối thiểu, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban đề nghị UBND TP rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng lao động tự do cần hỗ trợ theo hướng nhóm đối tượng mang tính bao quát, hạn chế liệt kê cụ thể.
Trong đó cần lưu ý lao động tự do là thợ chụp ảnh, thợ mộc, thợ may, sửa quần, áo, sửa giày dép, đánh giày, lao động tự do làm việc tại các phòng tập gym, yoga; đối tượng vận chuyển hàng hóa không nên giới hạn phương tiện vận chuyển; nhóm đối tượng tại nhóm 5 cần điều chỉnh theo hướng làm việc trong các ngành, nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo Công văn số 2186 ngày 15-6-2021 của Chủ tịch UBND TP.
“Đối với mức hỗ trợ, Ban văn hóa - xã hội nhận thấy mức hỗ trợ do UBND TP trình là mức tối thiểu được Chính phủ quy định tại điểm 12, Mục II của Nghị quyết 68, trong khi thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP kéo dài ba đợt với khoảng 38 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động, nhất là lao động tự do. Do đó, đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 1,5 triệu đồng/người lên mức từ 1,8 - 2 triệu đồng/người” – bà Thư nói.