TP Hà Nội đẩy nhanh thủ tục trợ giúp dân gặp khó khăn do dịch

Những ngày này, bên cạnh hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân, chính quyền TP Hà Nội đang gấp rút triển khai các gói hỗ trợ, cho vay đến người lao động tự do, hộ nghèo... đang gặp khó khăn do dịch kéo dài

Nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ

Từ trưa 17-8, sau một dòng trạng thái trên facebook, anh H., ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm đã nhận được hàng trăm comment nhờ giúp đỡ từ nhiều người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Hơn một tiếng sau là những thông tin xin góp phần lương thực, thực phẩm hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19 

Hầu hết các trường hợp nhờ giúp đỡ là sinh viên, phụ nữ nuôi con nhỏ, lao động tự do mất việc… đang bị kẹt lại Hà Nội vì giãn cách.

N.H, một cô giáo mầm non trọ tại số 86 ngõ 280, Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm) là một trong những trường hợp như vậy. Cô phải tạm nghỉ việc không lương, không trợ cấp từ tháng 5-2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Bố mẹ ở quê già cả, nên cô phải cố nán lại TP để kiếm việc làm thêm gửi tiền về nhà.

Có 2 gia đình gửi trẻ cho cô trông thì TP thực hiện giãn cách. Vậy là cô thất nghiệp tiếp và bị kẹt lại Hà Nội. H cho biết cô cũng nắm được chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội cho các giáo viên mầm non tư thục thất nghiệp, trường mầm non cũng thông báo sẽ được hỗ trợ nhưng không biết đến bao giờ thì được nhận, bằng cách nào…

“Từ khi giãn cách đến giờ em đã 2 lần vay bạn bè, người thân để đóng tiền phòng trọ với tiền ăn. Ăn tiết kiệm bữa mì, bữa cơm. Bây giờ tiền ăn cũng hết, thùng mì ký nợ cô tạp hoá cũng gần hết, bạn trọ cạnh phòng em cũng khó khăn, ngày cũng ăn một bữa nên em cũng không tìm được chỗ vay tiếp…” - cô NH nói. Cực chẳng đã H phải kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng mạng.

Chính sách hỗ trợ có độ trễ, phải nhờ nhà hảo tâm

Uỷ ban MTTQ phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) thống kê trên địa bàn phường có 2.387 trường hợp thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp nhưng chỉ có 400 suất quà do phường chủ động huy động các mạnh thường quân, người hảo tâm trợ giúp.

Tính đền chiều ngày 17-8, ngoài 800 phần quà ủng hộ các trường hợp khó khăn có hộ khẩu thường trú tại phường, MTTQ phường mới huy động thêm được hơn 400 suất để hỗ trợ cho các trường hợp thuê trọ.

“Tối 17-8, có một xe lương thực, thực phẩm khoảng 15 tấn của bà con hảo tâm ở Thanh Ba, Phú Thọ ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn ở phường. Ngay trong đêm các tình nguyện viên của phường sẽ chia thành các suất quà để đưa đến từng trường hợp đang gặp khó khăn” – bà Hoàng Lan, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam phường Cổ Nhuế 2 cho biết.

Đại diện UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trao quà hỗ trợ cho một hộ nghèo gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19

Trao đổi với PLO chiều ngày 17-8, ông Lưu Minh Đông, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho hay do phường có lượng người ở trọ khá lớn, trong đó có gần 2.400 trường hợp gặp khó khăn, theo rà soát của các tổ dân phố.

“Đó là chưa kể đến các trường hợp khó khăn khác có hộ khẩu thường trú tại địa bàn phường. Từ khi thực hiện giãn cách đến nay, chúng tôi đã chủ động huy động nhưng mới trao được hơn 1.000 suất quà để giúp đỡ. Số còn lại đang tiếp tục kêu gọi tiếp” – ông Đông cho hay.

Về các gói hỗ trợ triển khai theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 3642 và Nghị quyết 17 của TP Hà Nội, ông Đông cho hay phường đã rà soát, lập danh sách để gửi lên UBND quận Bắc Từ Liêm. “Ngay sau khi quận phê duyệt chúng tôi sẽ chuyển ngay hỗ trợ đến tận tay người lao động” – ông Đông nói.

Ông cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ triển khai cần sự chính xác, đưa đến đúng người cần nên cần thời gian triển khai vì thế có độ trễ. Do đó, phường đã bằng nhiều cách huy động thêm sự ủng hộ, chung tay của các nhà hảo tâm để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn...

Sớm triển khai các gói hỗ trợ, cho vay gần 850 tỷ đồng

Theo ghi nhận của PLO, từ đầu tuần này nhiều xã, phường ở TP Hà Nội đã thực hiện việc gửi thông báo bằng emai, hòm thư công vụ về nơi đăng ký thường trú của lao động tự do thay vì yêu cầu họ phải về quê xin xác nhận của chính quyền địa phương mới được hưởng chính sách hỗ trợ.

“Không chỉ gửi thông báo cho các trường hợp lao động tự do, phường chúng tôi cũng thực hiện xác nhận cho nhiều trường hợp không nhận hỗ trợ trên địa bàn phường để họ nhận hỗ trợ từ nơi khác” – Bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thông tin.

Trước đó, do có bất cập trong việc triển khai hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (theo Nghị quyết 68 của Chính phủ) đến người lao động tự do vì có thủ tục yêu cầu họ phải có giấy xác nhận không nhận hỗ trợ tại nơi đăng ký thường trú nên ngày 12-8, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ.

Ngay sau đó UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất trên và giao các các quận, huyện, xã phường triển khai ngay. Theo đó các cấp chính quyền ở TP Hà Nội chỉ cần gửi thông tin đến nơi lao động thường trú hoặc tạm trú bằng email, hòm thư công vụ, bưu điện thông báo khi người đó đã được nhận hỗ trợ; đồng thời công khai danh sách trích ngang trên trang thông tin của đơn vị để xác nhận, tránh việc trục lợi chính sách.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền cơ sở tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp của người gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo hướng thuận lợi nhất, bằng nhiều hình thức như: nhận trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến... Đồng thời giảm thời gian giải quyết, xét duyệt hồ sơ để người lao động sớm nhận hỗ trợ.

Ngày 13-8, Hà Nội cũng có nghị quyết 15 quyết định chính sách hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng cho 10 nhóm người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là các nhóm đối tượng chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ của Chính phủ và quyết định 3642 của UBND TP Hà Nội.

Trong đó có các hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, hoặc đã được tiếp nhận vào Trung tâm BTXH nhưng đang sống tại gia đình; người có công với cách mạng, thương binh, thân nhân người có công; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải nghỉ việc; người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, giáo dục nghề nghiệp phải tạm nghỉ việc...

Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết qua rà soát có 324 nghìn người sẽ được hỗ trợ theo gói chính sách này với tổng kinh phí dự kiến lên tới 345 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm