20 năm trên hành trình tìm đến pháp quyền

Gỡ vướng đất đai, nhà ở

Những năm 1994-1995 kéo dài đến sau 2000, báo tạo ấn tượng trong lòng bạn đọc qua các bài viết phản ánh thực trạng tranh chấp đất đai ở các tỉnh, TP phía Nam, thực tế khiếu kiện liên quan đến đền bù giải tỏa, trong đó phân tích sâu các yếu tố lịch sử, pháp lý của vấn đề, kiến nghị các giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Những bài như Đất của người đi kháng chiến trở về, Chuyện dài quy hoạch-giải tỏa-đền bù… đóng dấu ấn thương hiệu báo Pháp Luật TP.HCMtừ rất sớm.

Sau đó, có một vệt dài những bài viết gỡ cuộn chỉ rối trong quản lý nhà đất, trong đó bàn sâu về những hệ lụy sau mỗi lần thay đổi giấy hồng, giấy đỏ… Tiếp nối theo mạch ấy, đầu năm 2009, và trở lại vào đầu năm 2010, báo đã có một chiến dịch đấu tranh pháp lý thành công: “Giải oan” cho nhà sai phép! Đó là những căn nhà vì những lý do chính đáng như tiện ích sử dụng, sự thông thoáng…, chủ nhà đã xây khác với bản vẽ cấp phép xây dựng phần nội thất. Từ tiếng nói của báo và các chuyên gia quan tâm đến vấn đề, Sở Xây dựng và sau đó là Bộ Xây dựng đã thay đổi quy định về quản lý, chấm dứt tình trạng hễ xây khác giấy phép bất kể hại hay không hại gì đến quy hoạch chung, lợi ích cộng đồng cũng đều bị đập.

Đi vào những thân phận người

Năm 1998, hai phóng viên Bảo Trâm và Đức Hiển thực hiện một phóng sự điều tra, đi sâu vào cuộc hành trình đi tìm công lý của những người dân vô phúc đáo tụng đình. Họ là đương sự trong vụ án xử tới xử lui kéo dài hàng chục năm vẫn chưa ngã ngũ, họ ra Hà Nội chực chờ trước Phòng tiếp dân TAND Tối cao, VKSND Tối cao với hy vọng “Bao Công” xuất hiện, ngó mắt đến vụ việc mà theo họ là “oan khiên”. Loạt bài Đi tìm Bao Công năm đó được trao giải B Giải báo chí Hội Nhà báo Việt Nam năm 1998. Nhưng phần thưởng lớn hơn là từ loạt bài như thế, báo Pháp Luật TP.HCM sống trong lòng của rất nhiều bạn đọc trên hành trình đi tìm công lý.

20 năm trên hành trình tìm đến pháp quyền ảnh 1

Nếu báo Pháp Luật TP.HCM không lên tiếng thì anh Ngô Minh Thuận (Tây Ninh) sẽ vướng vòng lao lý vì bi kịch lấy vợ trẻ con hơn 10 năm trước. Cha con anh sẽ không có được niềm vui đoàn tụ này. Ảnh: THANH TÙNG

Lúc nào đó, hẳn sẽ có người tập họp một danh sách các tử tù, những người bị kết án oan nhờ tiếng nói của báo Pháp Luật TP.HCM sau đó được minh oan, giảm án hoặc chí ít giải oan trước công luận. Báo góp phần hạn chế, loại trừ tình trạng chứng cứ mỏng, chứng cứ mâu thuẫn nhưng các cơ quan tố tụng cứ xử lấy được như trong vụ Phạm Minh Chánh, vụ Huỳnh Văn Nam, các vụ Vườn cam Bến Tre, Vườn mít Bình Phước, Vườn điều Bình Thuận…

Báo cũng tìm đến, chia sẻ, bảo trợ, giúp đỡ về pháp lý cho các trường hợp trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại… như bé Hảo (Bình Phước), bé T. (Đồng Tháp) và gần đây là bé Hào Anh (Cà Mau). Năm 2007, các phóng viên Thanh Mận, Thanh Tùng, Thái Hiếu lần theo đường dây chăn dắt ăn xin, bóc lột tàn tệ sức lực của các em nhỏ. Loạt bài Triệt phá đường dây chăn dắt ăn xin sau đó được UBND TP khen thưởng nóng, được trao giải C Giải báo chí quốc gia.

Chỉ dấu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp

20 năm qua, báo Pháp Luật TP.HCM có thể tự hào rằng mình đã góp phần tích cực, đạt đến hiệu quả nhất định vào nỗ lực chung xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện các thể chế trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Loạt bài Nghị trường ra biển lớn là một sự đúc kết quá trình đổi mới hoạt động nghị trường theo hướng ngày càng dân chủ, công khai.

Đó là chuyện cởi trói, tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển trong không gian bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cổ súy cho việc ra đời của Luật Doanh nghiệp, việc kiên quyết xóa bỏ giấy phép con, các thủ tục hành dân…

Năm 2002, ngay sau khi Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp ra đời, báo đã nhập cuộc với những bài viết đề cao vai trò, vị thế của luật sư, bảo đảm sự tranh tụng để cho ra những bản án thuyết phục, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Báo huy động nhiều chuyên gia bàn luận, phân tích về các vấn đề cốt lõi của cải cách tư pháp. Các phiên tòa mẫu được báo phân tích, mổ xẻ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện.

... Chuyện ra tòa bị cáo có phải mặc áo tù, chuyện gia đình có được nhận xác tử tội, bị cáo có bị còng tay khi tòa xét xử hay không, cơ chế nào để giải quyết án đụng trần... sau khi báo phản ánh được đưa ra bàn thảo ở cấp cao và có những sửa đổi theo hướng văn minh, hiện đại và nhân văn hơn.

Các vấn đề trong quản lý đô thị, cải cách hành chính chiếm nhiều diện tích trên báo Pháp Luật TP.HCM. Năm 2000, báo có loạt bài Phố mặc áo làng, kiến giải và đi tìm mô hình quản lý đô thị đặc thù cho TP.HCM, sau đó là loạt Tách dịch vụ công khỏi hành chính công - đòi hỏi việc phân biệt rạch ròi giữa quản lý hành chính và phục vụ nhân dân...                                                                                      

Và trong suốt 20 năm hành trình tìm đến pháp quyền XHCN, có một điều chúng tôi luôn quyết liệt đeo đuổi: Thông tin không chỉ là sự chuyển tải các chủ trương, quyết sách hay những quy định khô khan. Đó còn phải là lăng kính soi rọi đầy đủ, sâu sắc nhất các ước vọng, bức xúc chính đáng đúng pháp luật của người dân và chúng tôi luôn đồng hành cùng họ.

HOÀNG CHƯƠNG

(*) Một số bài viết đã được đăng trong tuyển tập 20 năm - những bài báo đổi mới do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm