Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nội chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên của các cơ quan nội chính đã hoàn tất chương trình làm việc trong sáng nay, 15-9.

Kết nối từ Hội trường Bộ Quốc phòng qua mạng lưới trực tuyến quân đội tới 138 điểm cầu trên cả nước, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 4.600 đại biểu đến các cơ quan nội chính cả Trung ương và địa phương, Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy… đã nghe các báo cáo tham luận, tập trung vào nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN 

Trong số hàng chục báo cáo được gửi đến, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các cơ quan nội chính đã nghe Ban Nội chính Trung ương báo cáo tóm tắt về công tác nội chính khóa XII và nhiệm vụ, giải pháp khóa XIII - do Trưởng ban Phan Đình Trạc trình bày. Tiếp đó là về công tác quốc phòng - do Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang báo cáo.

Đại diện các ngành nội chính Trung ương khác như VKSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp… cũng đều lần đầu tiên có cơ hội phát tiếng nói tới toàn hệ thống nội chính cả nước, cũng các cấp ủy cả Trung ương, địa phương về trách nhiệm lãnh đạo công tác nội chính.

Nhưng phần được chờ mong nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người trực tiếp chỉ đạo tổ chức hội nghị quan trọng này.

Nội chính là gì?

Trong phát biểu của Tổng Bí thư, lần đầu tiên những khái niệm căn cốt nhất về công tác nội chính được nêu ra, như một sự quán triệt tới tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức các cơ quan nội chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập về tầm quan trọng của công tác nội chính, bắt đầu từ khuôn phép, nề nếp của một gia đình.

“Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp; trên kính dưới nhường, tôn ti trật tự.

Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục phải có kỷ cương. Phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng. Răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước. Tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính” – Tổng Bí thư nói.

Sự phát triển của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đến lúc này, hệ thống cơ quan hoạt động trong lĩnh vực nội chính đã hình thành, gồm các ngành kiểm sát, tòa án, tư pháp, thanh tra, kiểm toán, công an, quân đội, Ủy ban Kiểm tra và Ban Nội chính của Đảng. Ngoài ra còn có một số cơ quan, tổ chức mà hoạt động của nó có liên quan như hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường… hai hội luật gia, luật sư. 

“Mỗi cơ quan đều có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, có chức năng, nhiệm vụ riêng. Nhưng nhiệm vụ chung, bao trùm của các cơ quan nội chính là tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Là giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh - trật tự; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh” – Tổng Bí thư tóm lược.

Với tính chất đặc biệt quan trọng như vậy của hệ thông các cơ quan nội chính và công tác nội chính, người đứng đầu Đảng nhấn mạnh quyết định của BCH Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII, ngót 9 năm trước, tháng 12-2012, lập lại hệ thống Ban Nội chính Đảng từ Trung ương tới địa phương làm đầu mối tham mưu tổng hợp về công tác nội chính cho Đảng, là đúng đắn.

Việc tái lập ấy không chỉ để thúc đẩy nhiệm vụ cấp bách là phòng chống tham nhũng, mà còn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan nội chính. Và không chỉ vậy, còn để thúc đẩy tiếp việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống – gọi tắt là tiêu cực, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị mới đây đã thống nhất giao thêm cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo khác ở bàn chủ tọa hội nghị. Ảnh: TTXVN

Điểm mặt những hạn chế, yếu kém

Ghi nhận kết quả công tác của các cơ quan nội chính trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà khóa XIII này phải khắc phục.

Đó là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bố các cơ quan nội chính “có chuyển biến nhưng chưa mạnh”.

“Vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính; một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng của chúng ta. Trong hoạt động tư pháp, còn để xẩy ra một số trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan nội chính có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời” – Tổng Bí thư nói.

Về yếu kém trong quan hệ, phối hợp, người đứng đầu Đảng lưu ý các cơ quan nội chính không được "dĩ hoà vi quý", nhân nhượng vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau. Thay vì vậy, công tác phối hợp phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ.

Tổng Bí thư nói:

“Chúng ta phải là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Trong thực thi nhiệm vụ, phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đồng chí, anh em; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện. Tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây".

Mọi vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục, trên tinh thần đồng chí, anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng.

Nếu qua trao đổi, họp bàn vẫn chưa thống nhất được, thì vận dụng cơ chế phối hợp, xin ý kiến trong xử lý các vụ án, vụ việc, mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm rất có hiệu quả thời gian qua. Đồng thời hết sức lưu ý không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, rêu rao là chúng ta đấu đá, mâu thuẫn nội bộ”.

Trung tâm của hội nghị là Hội trường Bộ Quốc phòng, với lãnh đạo các cơ quan Trung ương ngồi dãn cách tầng dưới. Từ đây, tín hiệu được kết nối tới 138 điểm cầu qua hệ thống trực tuyến của quân đội.

Từ Nhân dân mà ra

Đáng chú ý, Tổng Bí thư cũng lưu ý công tác xây dựng pháp luật phải luôn đề cao cảnh giác, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá bằng cách hướng, lái hệ thống pháp luật đi con đường khác. Không được lồng lợi ích cá nhân của ngành mình.

“Tôi từng làm Chủ tịch Quốc hội, thấy rõ cái này. Quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật, nhưng phải là pháp luật đúng đắn. Cần thiết thì phải sửa luật, tinh thần là công tâm trong sáng khách quan” – Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN 

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng, tính cấp bách của tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ với xây dựng pháp luật. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Khắc phục tình trạng cục bộ, "phép vua thua lệ làng", thói quen tuỳ tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

Cuối bài phát biểu quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính từ Trung ương tới địa phương phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "dân là gốc", "gần dân, giúp dân, học dân"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Hơn tất cả, từng cơ quan, đơn vị phải thấm đẫm tinh thần, tư tưởng “Nhân dân” – hai chữ tạo nên những cái tên Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân.

“Chúng ta đều là công bộc, là đầy tớ của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn gắn bó với Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cái gì Nhân dân không đồng tình, căm ghét, phản đối thì chúng ta phải tránh, phải cương quyết ngăn ngừa; ai vi phạm thì phải bị trừng trị” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Lần đầu tiên phát biểu tập trung về công tác nội chính trước toàn hệ thống các cơ quan nội chính và cấp ủy Trung ương, địa phương như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt rõ hơn, sâu sắc hơn Nghị quyết Đại hội XIII về mảng công tác hệ trọng này.

Có thể hiểu, cùng với bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, cống bố ngày 15-5, trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tiếp theo là bài phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 20-7; rồi bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 11-8; và gần đây nhất là phát biểu tại Hội nghị MTTQ Việt Nam, ngày 16-8, nay thêm bài phát biểu này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở nhiệm kỳ thứ 3 của mình đang truyền đi thông điệp về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, không chỉ trong nhiệm kỳ 2021-2026 này, mà còn có giá trị đình hướng cho những nhiệm kỳ tiếp theo, hướng tới mốc 100 năm thành lập Đảng - 2030, 100 năm nước Việt Nam mới – 2045.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.