“Trị” người ra chính sách gây lãng phí

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý vừa được bổ sung vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được QH thông qua chiều 26-11 với kết quả biểu quyết đạt 86,75%. Cụ thể, luật sửa đổi đã bổ sung khoản 2 Điều 7 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí.

Cấm trả thù người cung cấp thông tin lãng phí

Liên quan đến câu chuyện ban hành chính sách kém hiệu quả gây lãng phí, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết một số ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách gây lãng phí. Cụ thể, đối với các chính sách (được ban hành dưới hình thức tập thể) không phù hợp và gây lãng phí, cấp có thẩm quyền phải có trách nhiệm xem xét để kịp thời bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách đó. Còn cá nhân có hành vi gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc tổ chức phải bị xử lý bằng nhiều hình thức: xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

“Trị” người ra chính sách gây lãng phí ảnh 1

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra lãng phí. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, trong dự thảo luật đã có Điều 7 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và Điều 78 quy định về trách nhiệm, mức độ xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại cùng với một số điều luật khác có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ như dự thảo luật.

Ngoài ra, luật lần này cũng bổ sung thêm một số quy định mới. Điển hình như ý kiến đề nghị bổ sung quy định về giải thể các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nhưng hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí đã được UBTVQH tiếp thu bổ sung tại khoản 4 Điều 24. Hay như vấn đề phát huy vai trò của người dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở trong việc giám sát hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được tiếp thu vào luật. Một điểm mới đáng chú ý nữa là luật cũng quy định nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người cung cấp thông tin lãng phí.

Luật này có hiệu lực từ 1-7-2014.

Hạn chế chỉ định thầu

Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành 88,35%. Một số nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận trước đó như vấn đề chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu thuốc… đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu cụ thể. Về vấn đề chỉ định thầu, có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật quốc gia. Việc này UBTVQH đã chỉnh lý đưa quy định này vào luật.

Một điểm mới nữa là về việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. “Thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư như quy định của dự thảo luật trước đó thì sẽ không có lợi cho quốc gia như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân…” - ông Giàu giải thích.

Liên quan đến vấn đề mua thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế, ông Giàu cho hay: “Thuốc được sử dụng tại các cơ sở y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân. Mặt khác, việc mua thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có thời gian thực hiện có độ ổn định và hiệu quả trong thực tế. Nếu quy định những nội dung mới quá chi tiết trong luật mà chưa có tổng kết đánh giá và có tính ổn định thì quá trình thực hiện khó tránh khỏi vướng mắc, thậm chí không triển khai được, hậu quả rất khó lường. Do vậy, dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc”.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm