76 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19-8-1945 – 19-8-2021)

CSGT TP.HCM: Trắng đêm mùa dịch

Những ngày TP.HCM giãn cách để chống dịch COVID-19 với hàng loạt biện pháp tăng cường, siết chặt hơn việc ra đường của người dân, cũng là lúc các lực lượng của TP, trong đó có CSGT - lực lượng tuyến đầu chống dịch phải làm việc nhiều hơn.

“Lại một xe chở F0 đi qua!...”

Tại một chốt kiểm soát dịch cửa ngõ phía đông TP vào một buổi tối giữa tháng 8. Thời điểm này, khi các tuyến đường trong khu dân cư đã im ắng thì tại những chốt kiểm soát vẫn sáng đèn để kiểm tra các xe được phép hoạt động.

Trong các lán trại dựng tạm, CSGT TP.HCM đóng vai trò chủ chốt cùng nhiều lực lượng khác gồm cảnh sát cơ động, quân sự, công an địa phương, quản lý thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, y tế, thanh tra giao thông… đang mỗi người một việc.

CSGT TP.HCM trong bộ đồ bảo hộ tại chốt kiểm soát quốc lộ 1 - Khu công nghiệp Sóng Thần đang kiểm tra một trường hợp qua chốt vào buổi tối.
Ảnh: LÊ THOA

Có người được phân công đứng ở mặt đường điều tiết, kiểm soát các xe. Bên trong lán có người đang kiểm tra chủ xe, quét mã QR để khai báo di biến động, người thì ghi chép sổ sách. Có cán bộ tranh thủ lót dạ miếng cơm, uống ngụm nước, có người tranh thủ ngồi nghỉ chân sau những giờ đứng kiểm soát liên tục họ đều giữ khoảng cách an toàn.

Một cán bộ từ bên ngoài với tay lấy chai sát khuẩn xịt lên khắp người, rửa tay liên tục, nói với vào: “Lại một xe chở F0 đi qua!”. Anh thở dài khi xịt sát khuẩn rồi trở lại công việc.

Một CSGT giải thích: “Chuyện hằng ngày em ơi, các xe chở lực lượng chống dịch, chở người nhiễm COVID-19 liên tục đi qua. Mình cứ đảm bảo việc bảo hộ, giữ khoảng cách, sát khuẩn là được”.

Theo CSGT, các chốt kiểm soát dịch hoạt động 24/24 giờ, chia làm ba ca trực, mỗi ca 8 tiếng và luân phiên nhau nghỉ. “Cực nhất là các ca đêm từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau. Bởi dù đêm khuya thì các cửa ngõ TP vẫn nườm nượp các xe di chuyển qua chốt” - một CSGT giải thích và cho biết mỗi tuần các anh sẽ được test COVID-19 để đảm bảo an toàn khi chống dịch.

Còn tại một chốt kiểm soát ở cửa ngõ phía nam TP, một CSGT cho biết việc phải kiểm soát các xe chở F0, F1 vào buổi tối diễn ra căng thẳng hơn ban ngày. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhiều trường hợp F0 tự đến cơ sở y tế test PCR sau khi có kết quả dương tính qua test nhanh tại nhà hoặc các F0 vừa nhận kết quả test PCR từ bệnh viện đang bối rối không biết làm sao; có cả các F0, F1 sau khi đi cách ly về...

“Khi tiếp xúc thì mới nghe họ trình bày là F0, tinh thần phải vững chắc thì mới tiếp tục làm việc được” - vị CSGT nói và cho biết luôn tạo điều kiện để những người này đến nơi điều trị, cách ly nhanh nhất.

Ngủ ở đơn vị, hai tháng chưa được gặp vợ con

Ra các chốt kiểm soát dịch, gần như ai cũng bảo “đã chọn công việc này thì đều phải thoát ly với gia đình”.

Một cán bộ Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM trực chốt ở cửa ngõ phía đông TP cho hay từ khi TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, anh đã đưa vợ con về bên ngoại còn mình thì “tác chiến” rồi về nhà thui thủi một mình, nhớ vợ nhớ con chỉ dám gọi video để gặp mặt. “Cũng khoảng hai tháng rồi. Lúc tôi xa con, đứa nhỏ chỉ bập bẹ nói được vài tiếng, bây giờ gọi điện thoại thì kêu ba đến rõ…” - anh cười rồi bảo không biết bao giờ “cuộc chiến” này mới kết thúc.

Trong quá trình làm việc, anh liên tục đề nghị người dân đứng cách xa mình 2 m. Anh bảo anh cũng không biết chắc rằng bản thân có nhiễm bệnh không, cũng không biết người đối diện thế nào. Kể cả trong lực lượng trực chốt cũng giữ khoảng cách với nhau. Chỉ cởi khẩu trang khi ăn cơm, uống nước mà mỗi người cũng ngồi một góc.

Cùng hoàn cảnh, một cán bộ CSGT ở cửa ngõ phía nam cho biết từ khi TP thực hiện Chỉ thị 16, anh đã ở hẳn tại đơn vị. Tại trụ sở Đội CSGT, các cán bộ kiểm soát dịch bên ngoài được bố trí một phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với các đồng đội khác.

“Thực sự tôi không còn đủ tự tin để về với gia đình, bản thân cũng không biết mình có là F0 hay không vì tiếp xúc với quá nhiều người” - anh nói và cho biết dù vợ ở nhà có lo lắng khi chồng đang ở tuyến đầu chống dịch nhưng vẫn ủng hộ anh.

Anh nói thêm rằng hơn một tháng không về nhà và có thể là nhiều ngày hơn nữa nhưng anh vẫn đang cùng người dân nỗ lực chống dịch, rồi mọi khó khăn sẽ qua.

Nhiều hoàn cảnh khiến CSGT lặng người

Trong suốt thời gian kiểm soát việc ra đường tại các chốt kiểm soát, lực lượng CSGT TP.HCM cũng gặp không ít hoàn cảnh khó khăn của người dân.

Vào một buổi tối cuối tháng 7, khi đang thực hiện nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh, Đại úy Phan Thành Nghĩa, cán bộ Trạm CSGT Tân Túc (Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM), phát hiện có một bé trai đi lang thang xin thức ăn.

Đại úy Nghĩa đã nhường phần ăn tối của mình rồi đưa em trở về nhà an toàn sau khi sát khuẩn, đeo khẩu trang cho em.

Có trường hợp phát hiện hai người con chở cha bằng xe máy bị nhồi máu cơ tim từ Long An lên TP.HCM cấp cứu nhưng xe máy hỏng giữa đường, Đại úy Nghĩa báo về đơn vị xin hỗ trợ rồi cùng đồng đội trưng dụng xe đặc chủng đưa người cha vào bệnh viện, sau đó đưa xe máy và người con trai về nhà ở Long An.

Đại úy Nghĩa bảo mỗi lần giúp được một hoàn cảnh như vậy đã tạo cho anh niềm vui khó diễn tả hết. Có lần anh gặp một trường hợp đưa hài cốt người thân đã mất về, sau xe còn chở cả bát hương; có trường hợp đi cách ly về thì nhận tin mẹ mất vì COVID-19, đưa cả giấy khai tử... khiến tổ công tác lặng người.

“Những lúc đó trong lòng day dứt, xúc động lắm nên miễn việc gì giúp được cho người dân thì mình đều không đắn đo, suy nghĩ nhiều” - Đại úy Nghĩa chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm