Đêm nay, bão Kompasu vào Biển Đông, hướng vào Thanh Hóa - Quảng Bình

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay, 11-10, tâm bão Kompasu đang ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 124,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) 250 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh với tốc độ 20-25 km/giờ theo hướng tây tây bắc. Khoảng đêm nay, rạng sáng ngày 12-10, bão đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021.

Mô hình dự báo vị trí và đường đi của bão Kompasu. Ảnh: VNDMS

Sau khi vào Biển Đông, bão tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ sáng 12-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Đến 7 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay (11-10), ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, đêm tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6 m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đánh giá đây là cơn bão có cường độ rất mạnh khi ở trên biển. Khi vào Biển Đông bão có thể đạt cấp 11 và giật cấp 13. Bão có tốc độ di chuyển rất nhanh với 20-25 km/giờ. Kể từ thời điểm bão vào Biển Đông cho đến khi ảnh hưởng đến đất liền nước ta chỉ mất hai ngày.

Các chuyên gia khí tượng cũng cho biết khi vào gần bờ khu vực Bắc và Trung Trung bộ, bão có thể sẽ giảm 2-3 cấp do ảnh hưởng của không khí lạnh và địa hình.

Ông Năng lưu ý, thời gian qua cơn bão số 5, 6, 7 đã gây ra các đợt mưa lớn ở Bắc bộ, Trung bộ. Với khả năng ảnh hưởng của bão số 8, tiếp tục các tỉnh Trung bộ, một số khu vực Bắc bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn tiếp theo vào ngày 13 đến 15-10, do đó cần phải hết sức lưu ý.

Trong khi đó, trên đất liền, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết vùng núi phía bắc Bắc bộ. Không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão số 7 đã gây mưa nhiều nơi khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Thủ đô Hà Nội cũng mưa liên tục trong hai ngày nay, dẫn đến một số khu vực vùng trũng thấp bị ngập lụt.

Mưa gây ngập lụt một số vùng trũng thấp ở Hà Nội. Ảnh: AH

Dự báo, chiều và đêm nay (11-10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía đông Bắc bộ; sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên ngày 11-10, ở Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 40-80 mm, riêng nam đồng bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai và Thanh Hóa có nơi trên 100 mm.

Nhân viên thoát nước có mặt tại điểm ngập để cảnh báo người dân đi đường. Ảnh: AH

Khu vực Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 80 mm. Ngày 12-10, mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên.

Ngày và đêm nay (11-10) ở Bắc bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.

Ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần nên từ nay đến ngày 13-10, ở khu vực này có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt, thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và tối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm