Đòi đất cho thuê, bị “xử” mất luôn

Gần 20 năm qua, ông Trần Minh Đức (xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp) đã gõ cửa khắp nơi để đòi lại miếng đất của tổ tiên, cha ông để lại.

Đòi vì không muốn cho thuê nữa

Phần đất tranh chấp có diện tích 609 m2, do ông Duệ (ông nội của ông Đức) sử dụng từ trước năm 1975. Năm 1956, ông Duệ cho ông Trạch thuê phần đất này để làm nhà máy xay xát. Đến năm 1972, ông Trạch bán nhà máy này lại cho bà Lại Kim Nguyệt và bà Nguyệt thỏa thuận với ông Duệ tiếp tục thuê phần đất này. Khi ông Duệ mất, bà Nguyệt tiếp tục trả tiền thuê đất cho ông Trinh (cha ông Đức). Sau 1975, vào thời điểm cải tạo công thương nghiệp, Nhà nước quản lý nhà máy của bà Nguyệt.

Đòi đất cho thuê, bị “xử” mất luôn ảnh 1

Ông Đức bên chồng hồ sơ sau gần 20 năm đi khiếu nại. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Đến năm 1989, UBND xã hóa giá, bán lại nhà máy này cho chủ cũ là bà Nguyệt. Từ đó bà Nguyệt xin thuê tiếp nhưng ông Đức chỉ đồng ý cho thuê với giá 120 giạ lúa/năm. Bà Nguyệt không đồng ý. Thanh tra huyện Lấp Vò hòa giải thành, bà Nguyệt tự nguyện thanh toán tiền thuê cho ông Đức từ năm 1990 về trước. Tại thanh tra huyện, hai bên tiếp tục ký hợp đồng mới từ 1-1-1991 đến 1-1-1996, với giao kết hết hạn sẽ trả lại đất cho ông Đức. Trong khoảng thời gian đó, ngày 1-7-1993, UBND huyện Lấp Vò cấp giấy đỏ miếng đất này cho ông Đức.

Năm 1996, hết hạn thuê, bà Nguyệt yêu cầu được tiếp tục thuê nhưng ông Đức không đồng ý, đề nghị chấm dứt hợp đồng và có đơn khiếu nại đòi lại đất.

Mất cả chì lẫn chài

Tháng 7-1996, TAND huyện Lấp Vò tuyên chấm dứt hợp đồng và buộc trong vòng một năm bà Nguyệt phải di dời nhà máy trả đất lại cho ông Đức. Bà Nguyệt kháng án, tháng 10-1998, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi đất của ông Đức. Năm 2000, Tòa Dân sự TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm, đồng thời đình chỉ vụ án, chuyển hồ sơ về UBND huyện Lấp Vò giải quyết theo thẩm quyền (do đất của ông Đức được cấp quyền sử dụng vào tháng 7-1993, thời điểm Luật Đất đai 1993 chưa có hiệu lực).

Đến ngày 20-6-2000, UBND huyện Lấp Vò có quyết định giải quyết khiếu nại, buộc bà Nguyệt tháo dỡ nhà máy và giao lại đất cho ông Đức. Không đồng tình với quyết định này, bà Nguyệt khiếu nại lên tỉnh.

Ngày 30-12-2000, viện dẫn căn cứ Luật Đất đai năm 1993, UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại (cuối cùng), nội dung hủy quyết định của huyện, đồng thời công nhận phần đất nói trên cho bà Nguyệt được quyền sử dụng (chứ không phải được tiếp tục thuê như mong muốn ban đầu của bà). Quyết định này cũng buộc bà Nguyệt trả tiền cho ông Đức với giá 45.000 đồng/m2.

Từ đó, ông Đức tiếp tục đi khiếu nại, còn bà Nguyệt thì đi đăng ký quyền sử dụng đất rồi… chia nền miếng đất này ra bán.

Xin thuê tiếp, được cho luôn!

Theo một cán bộ Sở TN&MT TP Cần Thơ có nhiều kinh nghiệm trong tham mưu về giải quyết đất đai, quyết định nói trên của UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ vào Luật Đất đai 1993 trong trường hợp này hoàn toàn không chuẩn. “Lẽ ra trường hợp này phải xem xét ở góc độ yếu tố lịch sử để lại chứ không phải lúc nào cũng cứng nhắc. Bởi hai bên có hợp đồng và thỏa thuận từ trước năm 1975 đến năm 1996. Hơn thế, bà Nguyệt trước sau vẫn thừa nhận đất này là của ông Đức, chỉ khiếu nại xin được tiếp tục thuê lâu dài mà thôi” - vị cán bộ này băn khoăn.

Trả lời câu hỏi căn cứ vào điều khoản nào của Luật Đất đai năm 1993 để ra quyết định nói trên, ông Huỳnh Thanh Sơn (Trưởng phòng Tiếp công dân của UBND tỉnh Đồng Tháp) cho biết tỉnh dựa vào khoản 2 Điều 2 của luật này.

Tuy nhiên, điều khoản này chỉ quy định “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (nguyên văn). Rõ ràng, điều khoản này không liên quan gì đến trường hợp tranh chấp hợp đồng thuê đất giữa bà Nguyệt và ông Đức.

Ngoài ra, trong công văn (ngày 24-5-1997) của UBND huyện Lấp Vò trả lời cho TAND tỉnh cũng khẳng định: “Ông Đức không phải là người có nhiều đất cho thuê mướn để bóc lột, cần phải cải tạo hoặc đánh đổ; và bà Nguyệt không phải là đối tượng cần phải được điều chỉnh để cấp đất sản xuất ổn định cuộc sống mà bà Nguyệt là đối tượng giàu có”.

“Tôi chỉ đòi lại đất đã cho thuê, bà Nguyệt ngoài chuyện thừa nhận đất đó của tôi thì bà chỉ muốn được tiếp tục thuê miếng đất đó. Vậy mà không hiểu sao người ta lại lấy luôn đất của tôi để giao hẳn cho bà Nguyệt?!” - ông Đức bức xúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Sẽ xem xét lại và giải quyết thấu tình đạt lý

Sau khi nghe sơ bộ vụ việc, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỏ ra băn khoăn trong cách giải quyết vụ việc. “Vì đất của ông Đức cho bà Nguyệt thuê có hợp đồng hẳn hoi từ trước giải phóng tới sau này và đến thời điểm hết hạn hợp đồng, bà Nguyệt đều thừa nhận đó là đất của ông Đức, chỉ xin tiếp tục thuê nữa nhưng năm 2000 tỉnh lại có quyết định giao đất đó cho bà Nguyệt. Chúng tôi sẽ xem xét lại và sớm giải quyết một cách thấu tình đạt lý, không để khiếu kiện kéo dài” - ông Hoan nói.

BÌNH NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm