Sáng 7-4, tại kỳ họp thứ năm HĐND TP.HCM khoá X, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tổ về nội dung các tờ trình của UBND TP.
Nhiều vấn đề ‘nóng’ được ĐB quan tâm như triển khai dự án Vành đai 3, nâng cao năng lực Trạm y tế cơ sở, bổ sung hỗ trợ đợt 3 cho người dân…
Cần thực hiện nhanh chóng dự án Vành đai 3
ĐB Phạm Hồng Sơn nhìn nhận giá trị mà dự án Vành đai 3 mang lại là rất lớn. ĐB Sơn cho rằng cần phải thực hiện dự án này nhanh chóng. “Nếu chậm thêm một ngày, một tháng, một năm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân TP và cả các khu vực liên quan” – ĐB Sơn nói.
ĐB Phạm Hồng Sơn nêu ý kiến về dự án Vành đai 3. Ảnh: THANH TUYỀN
Ông cũng cho rằng việc thực hiện dự án cần có sự phối hợp đồng bộ giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận để cùng thống nhất, đạt hiệu quả cao trong quá trình xây dựng.
Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh nêu ý kiến rằng cần quan tâm đến vấn đề tái định cư và chính sách bồi thường cho người dân khi thực hiện dự án Vành đai 3.
Liên quan đến việc này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đây là cơ hội cho TP.HCM khi cùng phối hợp với các tỉnh và được trung ương hỗ trợ kinh phí. Bà cho rằng cần ưu tiên thực hiện dự án này trong thời gian sớm nhất.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng cần ưu tiên dự án trong thời gian sớm nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng có kiến nghị về việc tăng tốc độ thi công các cầu bộ hành kết nối từ nhà ga tuyến Metro số 1 băng qua Xa lộ Hà Nội để hoàn thành cùng thời điểm với Metro.
Về nội dung này, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết hiện đang giải quyết nhiều vấn đề về mặt thủ tục thi công cầu bộ hành. Phía Ban quản lý sẽ cố gắng kết nối để đồng bộ việc sử dụng cầu bộ hành với các tuyến bus khi Metro số 1 chính thức hoạt động.
Cần rà soát lại đối tượng chi hỗ trợ đợt 3
ĐB Nguyễn Thị Thanh Diệu cho biết hiện vẫn còn người dân bức xúc về việc chưa nhận được gói hỗ trợ đợt 3, liên tục kiến nghị lên chính quyền. ĐB Diệu đề nghị UBND TP sớm cấp kinh phí cho huyện Củ Chi với số tiền 635 tỉ đồng để huyện giải quyết bức xúc cho người dân.
ĐB Nguyễn Thị Thanh Diệu nêu ý kiến về gói hỗ trợ đợt 3. Ảnh: HOÀNG GIANG
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú cũng nêu ý kiến về việc vẫn còn một số tình nguyện viên trực tiếp tham gia chống dịch nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
“Thời điểm đó do không bao quát, rà soát hết. Do đó cần rà soát lại các tình nguyện viên đã hỗ trợ hết mình trong đợt dịch căng thẳng vừa qua để hỗ trợ cho các bạn có thêm niềm tin, đóng góp cho xã hội” – ĐB Tú nói.
Trao đổi về nội dung này, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP, thông tin việc người dân chưa nhận tiền hỗ trợ không chỉ xảy ra ở huyện Củ Chi mà còn ở một số địa phương khác.
Theo bà Phương, trong thời gian chống dịch căng thẳng, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ với số tiền rất cao, gây áp lực lớn trong việc cân đối ngân sách của TP.
Bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, nói về việc chậm hỗ trợ đợt 3. Ảnh: HOÀNG GIANG
Năm 2021, dự toán kinh phí phòng chống dịch luôn thay đổi, TP phải sắp xếp các vấn đề ưu tiên, rà soát tiết kiệm khoản chi không cần thiết để tập trung hết kinh phí cho chống dịch, đặc biệt phục vụ việc điều trị, tiêm phòng, trang thiết bị y tế.
Bà Phương cho biết, thấy trách nhiệm chăm lo cho người dân trong hoàn cảnh khó khăn khi dịch phức tạp, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP trình bổ sung ngân sách cho các quận, huyện trên 6.200 tỉ đồng để chi hỗ trợ cho người dân thực sự khó khăn theo Nghị quyết 97 của HĐND TP.
Đồng thời theo chỉ đạo của UBND TP thì các quận, huyện cũng cần chủ động cân đối ngân sách hiện có để thực hiện chi hỗ trợ và báo cáo cho TP.
Cũng theo lãnh đạo Sở Tài chính, qua rà soát danh sách chi hỗ trợ thì một số quận, huyện có số lượng chi hỗ trợ chiếm tỉ lệ rất cao trên số dân. Chẳng hạn huyện Bình Chánh có tỉ lệ tới 108% so với dân số, quận Bình Tân là 98%, huyện Củ Chi là 85%...
“Do đó cần có sự rà soát lại để đảm bảo chi hỗ trợ đúng đối tượng thực sự khó khăn, đảm bảo ý nghĩa của chính sách đề ra” – bà Phương nói và cho biết sau khi các địa phương rà soát, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở LĐTB&XH TP xác định, tham mưu UBND TP cân đối tiếp nguồn kinh phí hỗ trợ.
Sẽ phân bổ Trạm y tế theo số dân chứ không theo địa giới hành chính Liên quan đến chính sách nâng cao năng lực cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết liên quan đến chính sách thuộc thẩm quyền của Chính Phủ, Quốc hội thì với sự tham mưu của Sở Y tế TP, chính quyền TP đã đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ thực hiện điều chỉnh một số nội dung trong thời gian tới.
Thông qua đó, giữa TP.HCM và Bộ Y tế có nhiều sự đồng cảm. Hiện Bộ Y tế đã có dự thảo điểu chỉnh quy định liên quan đến trạm y tế theo hướng không cứng nhắc. Thay vào đó sẽ căn cứ vào số dân, khối lượng công việc phù hợp chứ không theo địa giới hành chính. Bởi quy định hiện nay chỉ phù hợp với phường, xã có số dân dưới 20.000 người, trong khi TP.HCM có nhiều địa phương trên 100.000 dân. Ông Đức thông tin, việc bổ sung lực lượng về y tế cơ sở với khoảng 300 bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ được đưa về trạm y tế vừa để phục vụ người dân tốt hơn, vừa có thêm kinh nghiệm thực tế, nâng cao được tay nghề. Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định thời gian tới sẽ trình thêm các chính sách nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. |