Giành nhau con trâu đực

TAND tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã phải tạm dừng phiên xử để tòa “xem lại” con trâu rồi mới ra phán quyết cuối cùng. Trước đó, hai bên nguyên, bị đơn (cùng ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) vẫn nhất mực bảo con trâu đực màu đen là của mình.

Ai cũng nói trâu của mình

Nguyên đơn kể vợ chồng ông có một đàn trâu gồm chín “anh chị em” thả rông trong rừng. Trong đàn trâu có con thứ chín sinh khoảng tháng 10-2005. Đầu, cổ, đuôi, mông trâu… thế nào thì ông không nhớ cụ thể vì ít có thời gian gần gũi. Ông chỉ nhớ được nó là trâu đực, xâu trẹo màu xanh bằng dây cước, lông màu đen. Con trâu này bị lạc khoảng đầu tháng 10-2009. Ông đã nhờ người tìm kiếm, sau đó thấy nó đang ăn cỏ trên một cánh đồng cùng với đàn trâu của vợ chồng bị đơn.

Tìm ra trâu, ông rất mừng, vội đến gặp phía bị đơn xin lại chú trâu lạc. Thế nhưng phía bị đơn lắc đầu không cho nhận lại trâu vì đó là trâu của họ chứ không phải trâu “nhặt được”.

Giành nhau con trâu đực ảnh 1

Vợ chồng bị đơn trình bày nhà họ cũng có một đàn trâu gồm chín con, đều do một trâu mẹ sinh ra. Cả đàn cũng được thả rông trong rừng, thi thoảng gia đình mới vào thăm. Vào vụ làm đồng, vợ chồng ông mới lùa cả đàn về để cày bừa, chăm sóc.

Trong đó, con trâu đực đang bị nguyên đơn tranh chấp sinh vào khoảng tháng 7-2005. Lông màu đen, sừng dài khoảng 40 cm, có một xoáy mặt bên phải, hai xoáy trước hình xoáy chân tít, đuôi ngắn. Dưới cổ nó có hai khoang trắng, đã thay hai răng hến màu đen… Ngoài ra, gia đình ông làm dấu hình tròn trên đỉnh đầu trâu để khỏi lạc. Khi còn nhỏ, ở rông trong rừng, chú trâu này đã mắc bẫy dây thắng xe đạp ở chân phải phía sau nên để lại thẹo, bới lông lên là thấy.

Giám định trâu

Lúc giải quyết ở ủy ban xã, hai bên đều thống nhất việc thả trâu trong rừng là theo phong tục tập quán. Nếu thả con trâu tranh chấp ra, nó đi ăn theo đàn trâu của bên này thì bên kia phải chịu thua. Thế nhưng khi thả ra khoảng 30 phút, nó vẫn cứ ung dung gặm cỏ và đi một mình, không theo đàn trâu của ai.

Hai bên lại thống nhất thả trâu lần hai. Lần này con trâu đi một vòng rồi ăn cỏ phía ngoài gần đàn trâu của bị đơn. Nhưng chờ mãi cho đến lúc trời tối, hai bên cũng chưa thể xác định chú trâu này thực sự theo đàn trâu nào. Do vậy, hòa giải ở xã không thành, phía nguyên đơn đành khởi kiện ra tòa.

TAND huyện Hương Khê thụ lý đã hai lần hòa giải không thành nên đưa ra xử và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo tòa, cộng thêm nhiều yếu tố khác cùng các điểm bên ngoài của con trâu mẹ ở phía nguyên đơn không đủ cơ sở để khẳng định con trâu này là mẹ của con trâu đực đang tranh chấp…

Không đồng ý, nguyên đơn kháng cáo. Đồng thời, một trưởng công an xã đã gửi đơn kiến nghị tòa án tỉnh vì cấp sơ thẩm xử chưa khách quan. Theo ông này, tòa sơ thẩm chưa về địa phương để tận mắt xác minh trâu. Hơn nữa, bị đơn đã nhiều lần bắt trâu của người khác. Khi chính quyền giải quyết thì ông này mới trả lại trâu với lý do “bắt nhầm”.

Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tạm hoãn phiên tòa để về xác minh, xem lại dấu vết trên con trâu vì chỉ nghe hai bên giãi bày thì chưa thể kết luận trâu của ai.

Bí mật làm dấu trâu, bò

UBND xã và Công an xã Hòa Hải cho biết: Do tập tục ở địa phương, người dân thường đưa trâu, bò vào thả rông trong rừng. Trung bình mỗi năm chính quyền địa phương phải giải quyết khoảng 10 vụ tranh chấp trâu, bò. Kinh nghiệm của nhiều hộ dân: Khi trâu, bò sinh con phải theo dõi, chăn dắt cẩn thận và bí mật làm dấu riêng cho cả đàn trâu, bò của mình để tránh bị lạc.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm