“Không nên đầu tư thủy điện Đồng Nai 6, 6A!”

“Với tư cách là chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam (VAFEIA), tôi cho rằng dứt khoát không nên quyết định đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng như các dự án thủy điện nằm trong vườn quốc gia, khu vực bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta cần thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học chứ không thể nói rằng sau này sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường” - PGS-TS Lê Trình nhấn mạnh tại hội nghị thường niên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), ngày 16-12.

Theo PGS-TS Lê Trình, những tác động tiêu cực về môi trường, thủy văn, đa dạng sinh học… nếu cho phép thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được các nhà khoa học và địa phương, nhất là UBND tỉnh Đồng Nai đề cập rất nhiều. Ông Trình lấy trường hợp thủy điện Trị An để minh chứng thêm. Theo quy hoạch, thủy điện này chỉ lấy 210 km2 rừng để làm hồ chứa. Nhưng từ khi có hồ, do dân cư tăng nhanh, đã có hàng ngàn km2 rừng bị phá không kiểm soát được. Hiện nay, xung quanh hồ Trị An không còn cánh rừng nào. “Những tác động như thế này được các tổ chức quốc tế rất quan tâm. Nó gọi là tác động kèm theo, giống như vết dầu loang” - ông Trình nói.

“Không nên đầu tư thủy điện Đồng Nai 6, 6A!” ảnh 1

Khu Ramsar Bàu Sấu - được ví như “trái tim” của Cát Tiên - gần đây nước về ít đi do ảnh hưởng từ các thủy điện đầu nguồn sông Đồng Nai. Ảnh: Nhóm Yêu quý bảo vệ Cát Tiên

Theo ông Trình, dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên. Vậy sau khi có hồ rồi, liệu ai sẽ đảm bảo được rằng người dân sẽ không đổ vào quanh hồ và lấn dần, phá dần diện tích rừng xung quanh các dự án. Như vậy vết dầu loang sẽ bắt đầu từ vị trí các dự án thủy điện nằm ở trung tâm của Vườn Cát Tiên, lan rộng dần đe dọa nghiêm trọng tới vườn quốc gia này.

Trong khi đó, lấy bối cảnh TP.HCM đang hứng chịu những đợt triều cường cao, TS Lê Tuấn Anh (VRN) lại cảnh báo: Nếu xảy ra vỡ đập thủy điện Đồng Nai 6, 6A, trên 7.000 ha đất ở Đắk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. TP.HCM cũng không thoát khỏi cảnh ngập nặng.

“Nếu công trình gặp sự cố thì thiệt hại sẽ rất lớn, vượt quá tiềm lực kinh tế cũng như tính toán lợi nhuận của chủ đầu tư. Thế nhưng chúng tôi không thấy ĐTM đưa ra phương án khả thi để giải quyết hàng loạt sự cố và tai nạn có thể xảy ra. Cạnh đó, cũng không có biện pháp nào đủ mạnh và hiệu quả để bù đắp các mất mát, thiệt hại của hệ sinh thái mà dự án có thể gây ra” - TS Anh quan ngại.

Ngày 16-12, tại Khu du lịch Bình Quới, nhóm Yêu quý bảo vệ Cát Tiên tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Ấn tượng Cát Tiên”. Triển lãm trưng bày 64 bức ảnh theo ba chủ đề: Phong cảnh rừng; Dân cư bản địa và nét văn hóa đặc trưng; Một số loài động, thực vật đặc hữu. Đại diện nhóm, ông Nguyễn Huỳnh Thuật cho biết qua buổi triển lãm, nhóm muốn gửi đến mọi người thông điệp: “Cần bảo vệ sự nguyên vẹn cho di sản Cát Tiên”.

Việc triển khai các dự án thủy điện phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế. Nếu không có cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn và phát triển bền vững, chúng ta sẽ rất khó thuyết phục UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.

TS PHẠM HỮU KHÁNH,Vườn quốc gia Cát Tiên

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm