Quyết dẹp nhũng nhiễu trong cấp giấy tờ nhà, đất

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trong buổi giám sát của HĐND TP ngày 9-1 về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Cấp giấy nhà chung cư đang nổi cộm về khiếu nại

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND đã nêu nhiều vấn đề yêu cầu TP giải trình và đưa ra giải pháp xử lý. Cụ thể như việc cấp GCN cho người dân trong các dự án chung cư; có sự khác nhau trong cách vận dụng pháp luật giải quyết cấp CGN ở các quận, huyện; đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân chuyển đến quận, huyện nhưng không phải thẩm quyền thì chuyển lên cấp trên nhưng hiện nay không biết được giải quyết ra sao; về năng lực cán bộ ngành TN&MT…

Theo báo cáo của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trên địa bàn TP còn 17.303 trường hợp tồn đọng, chưa được cấp GCN. Trong đó tập trung vào bốn trường hợp: Chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép; vi phạm về đất đai, xây dựng và các trường hợp còn lại liên quan đến nguồn gốc pháp lý đất đai không rõ ràng. Đây cũng chính là những trường hợp người dân khiếu nại rất nhiều trong thời gian qua. ông Thắng cho hay trong số này có khoảng 10.000 trường hợp đủ điều kiện sẽ được tiếp tục xem xét cấp GCN trong thời gian tới. Nếu người dân không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện cấp giấy cũng sẽ phải đăng ký để quản lý.

Thời gian qua, Sở TN&MT  đã thành lập tổ công tác theo dõi về công tác khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân. Theo đó, nổi cộm trong khiếu nại của người dân là cấp giấy cho các dự án chung cư. “Có nhiều vấn đề như chủ đầu tư vi phạm xây dựng, thế chấp giấy đỏ khi đã bán nhà cho dân, đã thu tiền của dân nhưng chậm triển khai dự án” - ông Thắng thông tin và cho biết UBND TP hằng tuần đều có tổ chức cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đang có kế hoạch rà soát 2.834 dự án có trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Dự án nào chậm triển khai thì sẽ thu hồi, hủy bỏ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại buổi giám sát. Ảnh: V.HOA

Nhiều cán bộ sẵn sàng làm sai để hưởng lợi

Giải đáp các vấn đề của HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay trung bình mỗi tháng ban giám đốc Sở TN&MT phải ký cấp khoảng 5.000 GCN TP cũng đang phải rà soát hơn 2.000 dự án có trong kế hoạch sử dụng đất. “Khối lượng công việc TP hiện phải đảm nhận là rất lớn” - ông bày tỏ.

Liên quan đến việc cấp GCN cho các dự án trên địa bàn TP, theo ông Tuyến, trong 107 dự án trên toàn TP đang trong diện cấp GCN và đã giải quyết cấp trên 56.000 trường hợp. Có ba dạng vướng mắc liên quan đến cấp giấy cho các dự án. Cụ thể là dạng ký hợp đồng ba bên, chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ cho ngân hàng và vi phạm xây dựng. Đối với mỗi dạng, TP đều có giải pháp giải quyết như hướng dẫn người dân khởi kiện, chuyển cơ quan điều tra. Trường hợp nào liên quan đến thẩm quyền thì TP sẽ xem xét, giải quyết.

Ông Tuyến cũng nhìn nhận hiện nay những thủ tục, quy định và chỉ đạo của TP đều rất đầy đủ nhưng vẫn có tình trạng chậm giải quyết cấp giấy hoặc mỗi nơi làm một kiểu. “Vấn đề này lãnh đạo các quận, huyện và văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Phản ánh, khiếu nại của người dân là hết sức cụ thể. Cũng có những trường hợp cán bộ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ còn nhũng nhiễu, năng lực hạn chế, làm sai nhưng không dám sửa” - ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, hiện bộ máy của VPĐKĐĐ TP có khoảng 1.200 người nhưng hơn phân nửa là hợp đồng lao động. “Do đó có những trường hợp sẵn sàng làm sai để hưởng lợi ích. Khi bị phát hiện thì cùng lắm là cho nghỉ việc, chưa có trường hợp nào bị khởi tố” - ông Tuyến nhận xét.

Liên quan đến việc tiếp dân, ông Tuyến cho rằng nếu giải quyết công khai, minh bạch thì dân sẽ đồng thuận. Hoặc có thể không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại do vướng quy định nhưng người dân vẫn ghi nhận thái độ giải quyết của cán bộ, công chức. “Nếu tiếp dân bằng cả tấm lòng thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay đang giai đoạn số hóa, ứng dụng công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng. Nơi nào mà lãnh đạo quan tâm nhiều thì sẽ giải quyết được hết” - ông Tuyến nói.

Bác đơn dân sai nhiều lần, chủ tịch quận, huyện “lên đường”

Theo yêu cầu của TP, đến ngày 30-11, quận, huyện và VPĐKĐĐ phải hoàn thành xong việc phân loại hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp giấy theo từng nhóm vấn đề để giải quyết. Đến ngày 31-12, chủ tịch, phó chủ tịch các quận, huyện phải tiếp người dân thuộc 17.000 hồ sơ đang vướng chưa cấp giấy được và phải báo cáo cụ thể cho TP. Giải quyết được hay không được thì cũng phải trả lời người dân cho rõ ràng bằng văn bản. Đến tháng 1-2019, TP sẽ kiểm tra một số văn bản mà quận, huyện trả lời người dân. “Nếu hai trường hợp bác đơn của người dân mà quận, huyện sai và tiếp tục sai nữa thì tôi phải đề nghị chủ tịch quận, huyện đó “lên đường”” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy