Dự án chậm tiến độ 5-10 năm tại Hà Nội đang rất đáng báo động. Nhiều dự án “đắp chiếu” đang khiến dư luận bức xúc nhưng không được xử lý như: dự án Văn La-Hà Đông, dự án Trường THPT dân lập Trần Quang Khải (xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì), KĐT Mỹ Hưng (Thanh Oai)… Lý do và hướng xử lý?
Các đại biểu đã đặt câu hỏi như trên tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội ngày 13-8 như trên.
ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất).
ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) dẫn chứng: Ngay trong bốn quận nội thành hiện cũng có những dự án chậm tiến độ hàng chục năm như dự án 22-24 Hàng Bài, dự án của T&T tại Lý Thường Kiệt, dự án trung tâm thương mại 15 Hàng Khoai chậm triển khai nay biến thành bãi đỗ xe…
"Hầu hết là các dự án đất vàng, nằm tại trung tâm TP và từng được đưa ra chất vấn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Ở đây không hẳn là chủ đầu tư không có năng lực tài chính... Chúng ta vẫn cứ ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư. Phải chăng như vậy?” - ĐB Nam hỏi.
Giải trình trước HĐND, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ là do chính sách đất đai thay đổi (Luật Đất đai năm 2013) dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm chễ. Cộng thêm nhiều chủ đầu tư chậm phối hợp với cơ quan nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Lý do nữa là bất động sản đóng băng trong giai đoạn 2012-2015 và do triển khai quy hoạch chung Hà Nội, hàng loạt dự án phải tạm dừng triển khai để điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch (240 dự án phải điều chỉnh)… “Về nguyên nhân chủ quan, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số địa phương chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý” - ông Đông nói.
Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.
Ông Đông cho hay tới đây Hà Nội sẽ kiên quyết không cấp dự án mới cho các chủ đầu tư có dự án vi phạm và Sở TN&MT đang tham mưu cho TP nâng mức xử phạt (mức phạt cao nhất hiện hành là 1 tỉ đồng) đối với các dự án “đắp chiếu” để nâng cao tính răn đe.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ không gia hạn cho những dự án chậm 5-10 năm, trừ trường hợp bất khả kháng. Còn chủ đầu tư cố tình chậm thì sẽ thu hồi” - ông Đông nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển TP, tuy nhiên TP cũng cương quyết nói không với tình trạng dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí đất đai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Trước mắt UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra TP để kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó cố gắng, phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ. Hà Nội cũng hoàn thiện, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý dự án để giám sát, chỉ đạo chặt chẽ hơn việc triển khai các dự án, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án, không dây dưa kéo dài…
“Ngay sau phiên họp giải trình này, TP sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi. Để có danh sách này, TP đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư thực sự không thể tiếp tục triển khai" - ông nói.
Ông cũng cho hay quan điểm của TP là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện. "Như với 22 dự án trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP đã gia hạn đến hết tháng 8-2018, nếu các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì sẽ kiên quyết thu hồi...” - ông Chung nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện đất đai đóng góp đến 80% vốn phát triển của Hà Nội. Năm 2017, TP thu hơn 33.708 tỉ đồng tiền sử dụng đất, hơn 4.847 tỉ đồng tiền thuê đất. Các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất đã góp phần phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nhà ở, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp ngân sách hằng năm cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của TP. |