Thủ tướng: Vượt qua thách thức, đất nước đạt nhiều thành tựu

Sáng 20-10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và năm năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm năm 2021-2025.

“Năm 2020 là năm thành công”

Đánh giá chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc.

Theo Thủ tướng, chúng ta có bốn năm liên tiếp (2016-2019) cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta. Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về kết quả cụ thể, Thủ tướng cho hay tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng chín tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2%-3%.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng…, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh: HOÀNG HẢI

Thiên tai gây thiệt hại nặng; cơ chế chính sách còn chồng chéo

Tuy nhiên, trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19. Điều này dẫn đến tăng trưởng bình quân năm năm 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế…

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Theo Thủ tướng, mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề.

Cũng theo Thủ tướng, cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Việc đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực thi, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm.

Quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức” - Thủ tướng nói.

Cạnh đó, tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…

Thủ tướng cho biết những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Đáng chú ý, theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật có lúc, có nơi còn bất cập. Một số cơ chế, chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung.

“Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong nội bộ cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” - Thủ tướng nói.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm…

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi ngay sách giáo khoa lớp 1

“Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay” - người đứng đầu Chính phủ nói. 

Làm rõ hiệu quả nhóm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trình bày bản báo cáo thẩm tra, ghi nhận năm 2020 dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%), đây là một điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ quan thẩm tra nêu thực tế gần đây mưa lũ kéo dài gây sụt lở tại các tỉnh miền Trung làm thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe người dân một số thành phố lớn.

Từ thực tế này, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào các con sông gây ô nhiễm môi trường.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ mức độ hoàn thành, hiệu quả của các nhóm giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là đối với ĐBSCL; tình trạng hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn; nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, cạn kiệt.

Bội chi ngân sách và nợ công được kiểm soát

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nước ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Tỉ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục...

Cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27%-28%, tỉ trọng chi thường xuyên giảm còn 62%-63%. Bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước.

Chưa hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc

Theo Ủy ban Kinh tế, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có phần chững lại, triển khai nhiều dự án còn chậm, chưa hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc. Đặc biệt, hạ tầng đô thị lớn quá tải, hạ tầng nông thôn ở các tỉnh miền núi và vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư còn hạn chế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm