Truy lai lịch các “xe hộ đê”, chuyên dụng “lụi”

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 13 và 14-9 có đăng các bài viết “Loạn “xe hộ đê””, “Xe chuyên dụng… quá hớp”… phản ánh tình trạng có nhiều xe gắn biển “hộ đê” chạy trên đường trong khi chẳng hề làm nhiệm vụ hộ đê; và nhiều xe biển số trắng nhưng lại gắn đèn, còi như xe chuyên dụng, kéo rơmoóc chạy bất chấp hậu quả.

Điểm mặt chủ xe “chuyên dụng” dỏm

Chiều 14-9, Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT Công an TP.HCM, cho biết đơn vị đã triển khai bắt quả tang chiếc xe loại 1,5 tấn 51C-002.82 mà báo đã phản ánh đang kéo máy bơm bê tông tại chân cầu Sài Gòn thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Chiếc xe trên bị lập biên bản về lỗi không gắn biển báo, đèn báo hiệu khi kéo xe khác. Hiện Đội CSGT Hàng Xanh đã tạm giữ giấy tờ chiếc xe này chờ xử lý. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe 51C-002.82 là của Trung tâm Dạy nghề lái xe Hoàn Cầu (71/3 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Trung tá Thương cho biết: Đội CSGT Hàng Xanh sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra, xử lý các xe “chuyên dụng” quá hớp trên địa bàn mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.

Cũng tại TP.HCM, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát lai lịch các chiếc xe mà Pháp Luật TP.HCM nêu. Kết quả: Xe 57L-6940 được ghi chủ xe là bà Nguyễn Thị Chi (ở 219/70 Long Đại, Long Phước, quận 9). Đây là loại xe tải tự đổ hiệu Kia (Rhino)với tự trọng là 4.390 kg và tải trọng được phép chở chỉ 4,8 tấn. Xe này không được phép kéo theo rơmoóc chở xe khác ở bên trên, trong khi trước đó xe này đã bị phát hiện kéo rơmoóc chở máy đào Sumitomo.

Tương tự, xe “chuyên dụng” 57K-7681 là của bà Võ Huỳnh Kim Yến (ở 3/12 khu phố 2, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) cũng là xe tải tự đổ hiệu Kia (Rhino) và không được phép kéo theo rơmoóc chở xe khác bên trên. Xe 57K-9515 do Công ty TNHH DV TM Trần Minh (207 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) đứng tên chủ phương tiện. Đây là loại xe chuyên dùng để kéo chứ không phải là xe chuyên cứu hộ như trang bị bên ngoài.

Truy lai lịch các “xe hộ đê”, chuyên dụng “lụi” ảnh 1

Xe 51C-002.82 kéo máy bơm bê tông trái quy định đã bị CSGT Hàng Xanh lập biên bản chờ xử lý. Ảnh: PN

Tự tháo biển “xe hộ đê” sau khi báo đăng

Liên quan đến 13 xe mang biển số xanh 86A và 86B có gắn phù hiệu “xe hộ đê” thường xuyên qua Trạm thu phí Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cùng ngày 14-9, ông Trần Trung Nguyên, Trưởng trạm thu phí này, cho biết toàn bộ số xe nói trên đều do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cấp. Được biết, chỉ duy nhất xe Mitsubishi biển số 86A-0245 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận là được cấp biển hộ đê đúng quy định. Các xe còn lại chẳng hiểu vì sao cũng được “hộ đê”, trong đó huyện Đức Linh có đến hai xe là xe 86A-0400 của Huyện ủy Đức Linh và xe 86A-0540 của Văn phòng HĐND và UBND huyện Đức Linh.

Xe 52F-6855 hiện là xe thuê mua tài chính từ Công ty Cho thuê tài chính 2, thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đây là xe Innova tám chỗ được đăng ký chuyên… kinh doanh taxi (!). Xe 53M-0766 thường xuyên qua lại khu vực tỉnh Bình Thuận là xe Mercedes Benz 16 chỗ do bà Nguyễn Thị Ái Liên (ở 51/566 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp) đứng tên chủ sở hữu. Theo phản ánh của Trạm thu phí Sông Phan, sau khi Pháp Luật TP.HCM có bài viết thì chiếc xe này khi qua trạm đã mua vé và không còn gắn biển “xe hộ đê” nữa.

Truy lai lịch các “xe hộ đê”, chuyên dụng “lụi” ảnh 2

Xe “cứu hộ” 57K-9515 thực chất chỉ là xe chuyên dùng để kéo. Ảnh: PN

Truy lai lịch các “xe hộ đê”, chuyên dụng “lụi” ảnh 3

Mẫu giấy chứng nhận “xe hộ đê” do Cục Quản lý đê điều cấp. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

TP.HCM: Không cấp biển hộ đê cho xe biển số trắng

Chiều 13-9, ông Phạm Viết Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, cho biết đến nay về chính thống, cả TP chỉ có hai xe được cấp bảng hiệu “xe hộ đê”. Một xe là của giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão TP và một của Chi cục Thủy lợi phòng, chống lụt bão. Bảng hiệu “xe hộ đê” cho hai xe trên là do cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão ký cấp. “Cả hai xe trên là xe biển số xanh, không có xe biển trắng nào được cấp biển “xe hộ đê”. Làm sao các xe biển số trắng kiếm được biển này thì… chịu!” - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, theo quy định, UBND TP cũng có thẩm quyền cấp bảng hiệu “xe hộ đê” nhưng xe được cấp chỉ được phép lưu thông trên địa bàn TP. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, TP không cấp loại bảng hiệu này vì sợ “loạn”.

Cục trưởng từng bị gạ mua biển hộ đê?

Ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Loạn “xe hộ đê””, ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh: Cá nhân ông và Cục hoan nghênh bài viết. Ông nói: “Nhờ có thông tin mà quý báo cung cấp, lãnh đạo Cục mới biết thêm tình hình sử dụng biển số “xe hộ đê” tại các địa phương. Cách đây hai năm trong một lần đi công tác, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), tôi cũng từng bị một số người gạ mua biển “xe hộ đê”. Tuy nhiên, mức độ mà báo phản ánh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của Cục bởi các giấy chứng nhận “xe hộ đê” chủ yếu do Cục cấp. Giấy chứng nhận này chỉ có cục trưởng mới có quyền ký, cấp phó không có quyền ký thay. Sắp tới, Cục sẽ có công văn yêu cầu các tỉnh rà soát lại việc cấp phép biển hộ đê, Cục sẽ cử cán bộ phối hợp với ngành công an kiểm tra”.

Tuy nhiên, có một mắc mứu là với các xe biển số 86A, 86B đã nêu trên, trưởng Trạm thu phí Sông Phan khẳng định đều do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão cấp (có ký hiệu “TW”). Vậy Cục có cấp hay không? Điều này cần làm rõ ngay!

Xe dịch vụ cứu hộ đâu được ưu tiên

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, khẳng định: Theo quy định, chỉ có xe làm công tác cứu hộ của ngành GTVT và CSGT là được phép gắn và sử dụng cờ, đèn và còi ưu tiên khi di chuyển đến hiện trường làm nhiệm vụ cứu hộ. Hiện do cả Thanh tra GTVT và CSGT không có đủ loại xe và các thiết bị chuyên dùng khác, vì vậy trong nhiều trường hợp, nhằm giải tỏa nhanh hiện trường tai nạn hay ùn tắc giao thông do tai nạn, lực lượng chức năng phải nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ sở, doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ cứu hộ.

Về quy định, xe chuyên dùng cứu hộ của các cơ sở dịch vụ không được lắp và sử dụng các loại cờ, đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên. Khi làm nhiệm vụ, xe cứu hộ dịch vụ có thể sử dụng đèn quay, đèn phát sáng rời (gọi là đèn cảnh báo, hoàn toàn khác đèn ưu tiên) để thông báo cho người và xe đi đường biết phạm vi hiện trường đang thực hiện công tác cứu hộ. Do đó, các xe tư nhân có gắn và sử dụng còi, đèn, cờ khi làm dịch vụ cứu hộ hoặc chở, kéo hàng thuê mà báo Pháp Luật TP.HCM nêu là vi phạm pháp luật.

LƯU ĐỨC - PHƯƠNG NAM - TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm