Thông tin mới vụ quản giáo dùng nhục hình làm chết thiếu niên

Ngày 26-10, TAND tỉnh Long An ban hành quyết định đưa vụ án ba quản giáo của trại giam Long Hòa (Tổng cục VIII, Bộ Công an) dùng nhục hình đối với năm trại viên chưa thành niên ra xét xử phúc thẩm lưu động công khai tại trại giam này vào ngày 21-11.
Tuy nhiên, phiên tòa đã không diễn ra như dự kiến vì mẹ bị hại và luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại xin hoãn.
Bà Trần Quý Phú, mẹ của nạn nhân chưa thành niên đã chết, có đơn khiếu nại về việc vụ án được xét xử công khai nhưng lại diễn ra trong trại giam sẽ làm hạn chế quyền lợi của bà. Bởi lẽ trước đó phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra trong trại giam này rồi, ý kiến của bà được ghi nhận trong bản án không đúng như những gì bà đã trình bày...
Bà cho rằng con bà không thể chỉ bị đánh vào đùi và mông mà có thể dẫn đến cái chết vì suốt 17 năm nuôi con lớn, bà chưa từng phải lo con bệnh tật ốm đau. Con bà xưa nay vẫn khỏe mạnh bình thường, chưa mắc bệnh hiểm nghèo hay tim mạch gì như giám định pháp y và cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm kết luận. Do đó, việc cả hai cấp tòa đều xét xử trong trại giam Long Hòa - nơi mà con bà bị chính cán bộ quản giáo dùng nhục hình cho đến chết khiến bà không khỏi lo lắng về tính khách quan và công khai.
Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại chưa thành niên này cũng có kiến nghị gửi tòa. Luật sư cho rằng việc tiếp tục xét xử vụ án trong trại giam Long Hòa là không cần thiết.
Thứ nhất: Vụ án này đã được xét xử lưu động trong trại giam Long Hòa rồi.
Thứ hai: Việc xét xử lưu động trong trại giam Long Hòa không đúng bản chất, mục đích của việc xét xử lưu động. Vì bản chất của việc xét xử lưu động là phải công khai nhưng ở đây lại xét xử trong trại giam thì chẳng khác nào xử kín. Bởi lẽ trại giam có những nội quy, quy chế được quy định hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với những cá nhân, tổ chức liên hệ làm việc. Những người không phận sự không thể vào được khuôn viên của trại giam. Do đó việc xét xử lưu động trong trại giam làm hạn chế tính công khai của một phiên tòa mà không phải bắt buộc xử kín, làm vô hiệu hóa mục đích của việc xét xử lưu động, không đảm bảo đầy đủ tính giáo dục, tuyên truyền và phòng ngừa.
Thứ ba: Xét xử lưu động là trái tinh thần và phát biểu của chánh án TAND Tối cao hồi đầu năm 2018.
Luật sư cho rằng trong trường hợp này, tòa phúc thẩm chỉ cần xét xử tại trụ sở của tòa án, vừa đảm bảo an ninh, vừa tránh lãng phí và đảm bảo quyền con người của bị can và bị cáo và lại phù hợp ý chí của bị hại...
Nếu tòa án vẫn tiếp tục muốn xét xử lưu động thì nên chọn địa điểm khác để mọi người dân có thể tham gia, từ đó có thể đảm bảo được bản chất của một phiên tòa lưu động công khai...

Mẹ của bị hại bày tỏ sự nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của con mình và đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cũng như đề nghị giám định lại.

Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, quản giáo Nguyễn Phước Thuận, quản giáo Nguyễn Minh Huân (phụ trách đội lao động) và chiến sĩ công an nghĩa vụ Châu Minh Nhựt (cảnh sát bảo vệ cơ động thuộc phân trại số 1) đã có hành vi dùng nhục hình đối với năm phạm nhân chưa thành niên, sau đó có một phạm nhân đã chết.

Năm phạm nhân lứa tuổi 16, 17 vừa nhập trại, được bổ sung vào đội do quản giáo Thuận quản lý để học nghề đan ghế từ ngày 17-10-2017, trong đó có Lại Quốc Huy (đã chết). Huy sinh ngày 9-1-2000, ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, thụ án 18 tháng tù giam về một tội chiếm đoạt tài sản.

Kết luận giám định nguyên nhân chết của Huy là do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp. Các thương tích có mối quan hệ là yếu tố tác động trong tình trạng cơ thể đang bị kích động tinh thần, mệt, đói làm nặng thêm tình trạng bệnh lý tim có sẵn dẫn đến cái chết.

Thuận bị bắt tạm giam ngày 29-1-2018, còn Huân và Nhựt được tại ngoại.

Tháng 8-2018, HĐXX TAND huyện Bến Lức, Long An đã tuyên phạt quản giáo Thuận ba năm sáu tháng tù, quản giáo Huân hai năm sáu tháng tù, Nhựt hai năm tù về tội dùng nhục hình.

Trại giam Long Hòa đã chi trả 21 triệu đồng mai táng phí cho Huy, ba bị cáo tự nguyện bồi thường 50 triệu đồng và tiền thuê xe.

Bản án ghi nhận tại phiên tòa, mẹ của Huy không có yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, mẹ của Huy cho rằng tại phiên tòa, bà có đề nghị bồi thường 130 tháng lương tối thiểu... Bà cũng bày tỏ sự nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của con mình và đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cũng như đề nghị giám định lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm