Năm học 2016-2017, TP.HCM mở rộng mô hình trường tiên tiến từ cấp học mầm non đến THCS với 23 trường, nâng tổng số trường tại TP theo mô hình này là 26 trường.
Hai kiểu học sinh trong trường công
Trường Tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình khá thuận lợi khi bắt đầu thực hiện mô hình tiên tiến ở khối lớp 1. Lý do là nhiều năm nay, trường đã được công nhận chuẩn quốc gia nên trường chỉ có 25 lớp học, mỗi lớp 35 em. Tất cả các em đều được học bán trú. Vì thế khi triển khai, trường chỉ tuyển năm lớp 1 với sĩ số 30 học sinh (HS)/lớp, chỉ giảm năm HS/lớp nên không áp lực như những trường khác.
Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường thực hiện cuốn chiếu trong năm năm. Ngoài học chương trình chính khóa, các em được học tiếng Anh nhiều hơn, có mở lớp kỹ năng sống hằng tuần, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài giờ, năng khiếu... Vì thế, ngoài tiền thu hộ-chi hộ để phục vụ bán trú thì mỗi em đóng thêm các khoản thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/tháng để phục vụ việc học.
Theo ông Tâm, tổng mức thu hiện mỗi em khoảng 2,6 triệu đồng/tháng. Nhà trường lấy nguồn thu này để nâng chất lượng giảng dạy và các hoạt động cho các em, đầu tư trang thiết bị...
“Vì mức thu cao hơn nên việc tuyển sinh đầu vào phải thông báo rõ ràng đến phụ huynh về các khoản thu chi ra sao, học tập của các em như thế nào... Phụ huynh nào thấy đồng thuận thì vào, còn không sẽ được học ở trường khác” - ông Tâm cho hay.
Tương tự, Trường Mầm non Vàng Anh, quận 5 năm học này cũng bắt đầu triển khai mô hình tiên tiến cho khối lớp mầm với bốn lớp, mỗi lớp không quá 35 em. Theo đó, ngoài mức học phí theo quy định chung của TP là 160.000 đồng/tháng, trường sẽ thu thêm các khoản thỏa thuận nhưng không quá 1,5 triệu đồng/tháng để phục vụ học tập và vui chơi cho các em.
Một giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Vàng Anh, quận 5. Ảnh: CTV
Như vậy, thực tế cho thấy hiện có hai loại hình trường/lớp học ở trường công lập. Bên cạnh những trường/lớp học bình thường là các lớp tiên tiến, mức thu cho những lớp này cao hơn rất nhiều. Và vì thế đương nhiên tồn tại hai loại đối tượng HS. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh lo ngại là liệu việc đóng học phí cao có tạo nên khác biệt về chất lượng giáo dục và duy trì lâu dài hay không, hay trước mắt chỉ mới thay đổi về hình thức và máy móc phương tiện là chính?
Còn khó trăm bề
Khó khăn chung của các trường bắt đầu xây dựng mô hình này là phải đáp ứng được các tiêu chí do UBND TP quy định cho từng cấp học. Trong đó, mỗi cấp học đều có những tiêu chí cụ thể về chất lượng đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số và chất lượng HS.
Nhiều thuận lợi như Trường Tiểu học Đống Đa vì xuất phát từ trường chuẩn quốc gia nhưng cũng còn nhiều khó khăn để nỗ lực trong năm năm tới nếu muốn trở thành trường tiên tiến. Cụ thể, như điều kiện phải có ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp quận trở lên thì hiện trường chỉ đạt khoảng 17,1%. Ngoài ra, yêu cầu 100% nhưng hiện trường chỉ có 3/9 giáo viên tiếng Anh đạt trình độ B2; yêu cầu 50% HS có tiếng Anh và tin học theo chuẩn quốc tế theo quy định của Sở nhưng hiện trường chỉ có 256/877 học sinh đạt, tỉ lệ 29,2%.
“Mỗi năm trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung từ từ chứ để đạt ngay thì không thể. Đó là khó khăn nhưng cũng là tiêu chí để trường phấn đấu. Ngay cả đội ngũ cũng phải nỗ lực tự học và sáng tạo để nâng cao trình độ, ai làm được thì ở lại, không thì sẽ bị đào thải” - ông Tâm nói.
Trường THCS Lê Quý Đôn là trường duy nhất tại quận 3 được chọn xây dựng mô hình trường tiên tiến từ năm học này. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các tiêu chí đưa ra thì trường đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiệu trưởng Phạm Đăng Khoa cho biết tuy là chủ trương của TP nhưng năm học này trường chưa thể thực hiện. Lý do là sĩ số lớp hiện còn quá cao, trung bình 45-50 em/lớp trong khi quy định là không quá 30 em/lớp, rồi trình độ đội ngũ chưa đạt, phòng ốc hạn hẹp... so với tiêu chí.
“Đây là cái khó chung của các trường ở nội thành khi thực hiện mô hình này và chưa biết khi nào sẽ khắc phục được. Tuy nhiên, đây là mục tiêu để trường hướng đến nhưng phải có lộ trình chứ làm liền là rất khó” - ông Khoa nói.
Hiệu trưởng một trường tiểu học khác cho biết việc xây dựng mô hình tiên tiến này là cần thiết để nâng chất lượng giáo dục nhưng trong bối cảnh của TP luôn áp lực thiếu trường lớp và tăng dân số cơ học thì việc thực hiện là rất khó. Vì thế, các quận/huyện cần tính toán kỹ về lộ trình, quản lý, tuyển sinh... để tránh tạo ra những hệ lụy khác.
“Bởi mô hình này thì buộc thầy cô giỏi, trò ít, trường lớp hiện đại. Như vậy, năm đầu có thể triển khai được nhưng những năm sau liệu có đẩy áp lực cho những trường khác. Chưa kể, có tạo sự bất công khi đáng lẽ những con em xung quanh được vào trường này học nhưng vì mác “tiên tiến” mà thật ra là vì tiền quá cao nên họ phải đi nơi khác xa hơn” - vị này nói.
Hơn nữa, vị này cho rằng phải tính toán cả đầu ra liên thông theo từng cấp học để đảm bảo HS theo học xuyên suốt chứ không phải mỗi cấp học một kiểu sẽ không hiệu quả.
Mức thu tiên tiến không quá 1,5 triệu đồng/tháng Theo quy định của UBND TP.HCM, học phí các trường tiên tiến theo xu thế hội nhập thu theo mức quy định chung của TP, tức THPT 120.000 đồng/HS/tháng, THCS là 100.000 đồng/tháng, mẫu giáo 160.000 đồng/tháng, tiểu học không thu học phí. Ngoài ra, bên cạnh các khoản thu hộ-chi hộ theo quy định của Sở hoặc của quận/huyện thì các khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng không quá 1.500.000 đồng/HS/tháng. Trong đó bao gồm: Tổ chức dạy học hai buổi/ngày; tổ chức dạy học tăng cường ngoại ngữ; học với giáo viên nước ngoài; dạy các bộ môn năng khiếu; kỹ năng sống; các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm; trang bị cơ sở vật chất... Lộ trình xây dựng mô hình trường tiên tiến: Mầm non thực hiện trong ba năm (bắt đầu từ lớp ba tuổi), tiểu học là năm năm và THCS là bốn năm, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Kết thúc thời gian này, các trường sẽ được khảo sát và nghiệm thu, nếu trường nào đạt được các tiêu chí quy định do UBND TP đề ra thì mới được công nhận là trường tiên tiến. |