Chiều 31-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các kịch bản ứng phó dịch COVID-19.
Giãn cách xã hội là tình huống “tiền khẩn cấp”
“Trong tình huống xấu nhất thì phương án của Chính phủ là gì để không bị động, nhất là phương án về huy động nguồn lực và các biện pháp cần thiết khác?” - Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng chúng ta không mong tình huống xấu này xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình.
“Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo về các tình huống, cấp độ bùng phát của dịch và các kịch bản triển khai với mỗi tình huống này, trong đó lường trước cả tình huống xấu nhất.
“Thông điệp mạnh khi tình hình hiện đã khác”
Cũng trong chiều 31-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm rõ thêm một số nội dung Chỉ thị 16. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội. Chỉ thị 16 đã đưa ra nguyên tắc: Mỗi cá nhân hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh tiếp xúc quá gần với người khác.
“Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế - xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chỉ thị 16 đưa ra những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, chưa phải lệnh cấm. Cụ thể, chỉ thị của Thủ tướng khuyến cáo mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
“Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần của chỉ thị là khuyến cáo mọi người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tụ tập đông người, càng ít người càng tốt, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đây là thông điệp mạnh mẽ hơn so với bốn ngày trước khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người, bởi tình hình hiện đã khác” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Không có việc “ngăn sông, cấm chợ” Ngay trong chiều 31-3, sau khi có thông tin từ plo.vn về việc cách ly toàn xã hội, nhiều người dân đã lo lắng và đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ vì lo sợ phải ở trong nhà 15 ngày. Về việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ Thủ tướng không yêu cầu “ngăn sông, cấm chợ”, không đóng cửa siêu thị, các cửa hàng bán đồ thiết yếu. Thủ tướng cũng không cấm người dân ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men… Hiện các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động, lưu thông hàng hóa và chỉ hạn chế, đóng cửa những cửa hàng, dịch vụ không cần thiết. Việc này Thủ tướng đã giao cho các địa phương chủ động, quy định cụ thể. Chẳng hạn, Hà Nội đã quy định rõ những cửa hàng nào đóng, cửa hàng nào mở rất rõ ràng. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành đảm bảo nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho người dân. “Tôi mong người dân yên tâm là không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ lại tụ tập đông người, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. “Chính phủ hiểu rằng những ngày tới, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời và cần thiết vì sức khỏe cộng đồng, mong tất cả chấp hành. Nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ thêm. |
Những việc cấp bách cần làm từ ngày 1-4 Thủ tướng nêu rõ cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc và người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân. Ngày 31-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. “Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng” - chỉ thị nêu rõ. Thủ tướng cũng yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Cạnh đó, dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu khẩu trang vải; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19. Bộ Công Thương, UBND các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân. Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh: “Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân!”. ĐỨC MINH _____________________________ Tạm đóng các cửa khẩu biên giới phía Tây, Tây-Nam Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 0 giờ ngày 1-4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới… |