Trong 10 năm tới, Hà Tĩnh đặt mục tiêu vào Top 20 tỉnh hàng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
Tỉnh xác định “bốn trụ cột - ba đô thị - một trung tâm…” sẽ là “điểm tựa” chiến lược cho địa phương phát triển trong giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, bốn trụ cột của Hà Tĩnh là công nghiệp (là động lực phát triển, tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm); du lịch và thương mại; dịch vụ cảng, dịch vụ hậu cần (logistics) và vận tải; nông nghiệp.
Ba đô thị động lực theo trục Bắc Nam bao gồm: Thị xã Hồng Lĩnh kết nối với huyện Nghi Xuân - đô thị phía Bắc Hà Tĩnh; TP Hà Tĩnh; thị xã Kỳ Anh gắn với trung tâm phát triển Khu kinh tế Vũng Áng là vùng đô thị động lực phía Nam.
Một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với lõi là Khu công nghiệp Vũng Áng - cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, trở thành cửa ngõ ra biển vùng Bắc Trung bộ và Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua Hà Tĩnh đã vượt khó, nhiều thách thức để vươn lên mạnh mẽ. Sau sự cố Formosa năm 2016 đến nay, Hà Tĩnh có sự phát triển toàn diện, nhiều ấn tượng. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế cao thứ hai khu vực Bắc Trung bộ, GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, cao nhất Bắc Trung bộ.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của Hà Tĩnh như kinh tế phát triển chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực sự vững chắc, liên kết vùng, kết nối thị trường cũng còn khó khăn. Thế mạnh về du lịch cũng chưa được phát huy nhiều.
Đánh giá cao phương hướng nhiệm vụ của Hà Tĩnh thời gian tới, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề: Hà Tĩnh trong cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số như thế nào; Hà Tĩnh sẽ tận dụng các FTA ra sao, người dân và doanh nghiệp có hiểu được lợi ích của các hiệp định này chưa. Từ đó, cần tìm ra lợi thế cho Hà Tĩnh. “Cần tiếp tục xây dựng Hà Tĩnh thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030…”, Thủ tướng nêu rõ và đặt niềm tin: “Chúng tôi rất mong GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh sẽ nằm trong 20 tỉnh hàng đầu của cả nước”.
Thủ tướng cũng cho rằng tỉnh cần có biện pháp phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, chú ý bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là những nguy cơ gây ô nhiễm để Hà Tĩnh có kinh tế phát triển và môi trường tốt.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh có 58.000 người sống, làm việc tại nước ngoài, trong đó nhiều người sống ở Hàn Quốc, Nhật Bản và khi dịch COVID-19 xảy ra, tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp phòng chống. Toàn tỉnh hiện vẫn tiếp tục giám sát, theo dõi, đo thân nhiệt, hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú 393 trường hợp đi từ vùng có dịch COVID-19. Tại thị xã Kỳ Anh (nơi có Công ty Formosa) đã tiến hành theo dõi, cách ly 199 người đủ 14 ngày, hiện những người phải cách ly không có vấn đề về sức khỏe và đã được phép trở lại làm việc. Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu phát triển nào trong năm 2020.
Thủ tướng cho rằng cách làm và kết quả đạt được trên của Hà Tĩnh là bài học kinh nghiệm cho các địa phương. “Các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm từ Hà Tĩnh, chứ đừng nói tác động của dịch bệnh, chúng tôi không thể làm việc được!” - Thủ tướng nói.