Trực tiếp báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thể hiện rõ sự căng thẳng cho biết, dịch sởi đã xuất hiện diện rộng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, dịch xuất hiện sớm, kéo dài do thời tiết miền Bắc xấu, trong khi đó bệnh viện quá tải cục bộ dẫn đến nhiều ca tử vong. “Số ca mắc giảm, số tử vong giảm nhưng những ca nặng thì rất khó”, Bộ trưởng Tiến nói.
Thủ tướng sốt ruột hỏi Bộ trưởng Tiến về tình trạng hoạt động của máy thở, cũng như lượng vắc xin hiện nay có đủ không? Bộ trưởng Tiến khẳng định không thiếu, nhưng thiếu về phòng điều trị, cũng như cơ sở vật chất khác. Vị tư lệnh ngành y tế cam kết trước Thủ tướng tiếp tục phân tuyến, tiêm vắc xin đạt trên 90%.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Vũ Hồng Khanh báo cáo, sau 3 năm Hà Nội mới có dịch. Trường hợp đầu tiên vào tháng 10.2013, toàn Hà Nội có 1.339 bệnh nhân mắc sởi, phân bổ 370/584 xã phường thị trấn. Hiện còn 766 bệnh nhân, trong đó 511 người nằm viện, còn lại điều trị tại nhà.
Sau khi lắng nghe các báo cáo, Thủ tướng cho biết số bệnh nhân tử vong mấy ngày qua đã được khống chế, 3 ngày qua không có thêm cháu tử vong. Xu hướng này cho thấy đã tích cực hơn nhưng dịch còn diễn biến phức tạp, không được chủ quan, lơ là.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung chỉ đạo làm tốt việc cấp cứu, điều trị, phải hạn chế thấp nhất số ca tử vong; chỉ đạo hết sức chặt chẽ để dịch không lây chéo. “Chúng ta đủ kinh phí, thuốc men, phương tiện, máy thở nên phải quyết tâm làm cho tốt, dập tắt dịch sởi”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền rất quan trọng, do vậy cần tập trung thông báo để người dân đi tiêm phòng, phấn đấu đạt tỷ lệ 95% theo mục tiêu của Bộ Y tế. “Báo đài cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa tiêm chủng đối với sức khoẻ các cháu. Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ thì phải tích cực phổ biến, vận động để đạt bằng được 95%. Còn cứ để người dân lao đi mua hạt mùi, ngổ… tác dụng rất có hạn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng phê bình và yêu cầu rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, theo dõi tình hình dịch bệnh. Các Bộ, ngành và địa phương phải làm cho kịp thời, đúng mức, đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả. “Nếu dành thời gian tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì đã giảm được tỷ lệ mắc, không có chuyện dồn lên 1 chỗ tạo ra lây chéo. Như việc nói thiếu máy thở là không được, máy thở có vấn đề gì đâu. Nếu có dự trữ thì lấy ra. Phải rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Anh Vũ (TNO)