Sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch, chiều 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành đã đến Bắc Giang để trực tiếp nghe địa phương báo cáo tình hình.
Tại đây, Thủ tướng quán triệt tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, lo cho giáo dục và đào tạo để có thể kết thúc năm học trọn vẹn. Ngay sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng sẽ đến thăm bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Bắc Giang có 81.713 F1, F2.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến trưa nay, Bắc Giang đã ghi nhận 1.927 ca bệnh. Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, cho biết tổng số F1 của tỉnh là 15.863 trường hợp; F2 là 65.850 trường hợp.
Số ca chủ yếu là trong số công nhân tại KCN Quang Châu, KCN Vân Trung, trong đó Công ty TNHH Hosiden Việt Nam vẫn chiếm nhiều nhất. Ổ dịch nóng nhất ở Bắc Giang là tại KCN Quang Châu, từ khi xuất hiện cách đây 15 ngày, lượng ca dương tính tăng cao, diễn biến phức tạp. Đến nay, KCN này có 1.524 trường hợp F0, trong đó công ty Hosiden là 1.920 F0.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đánh giá đây là đợt dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh.
Hiện tỉnh đã cách ly xã hội, giãn cách xã hội 8/10 huyện, thành phố (trừ Sơn Động, Lục Ngạn) theo Chỉ thị 15 và 16.
Về xét nghiệm, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, tỉnh đã nâng công suất xét nghiệm từ 14.000 mẫu đơn lên 20.000 mẫu đơn/ngày. Tăng cường xét nghiệm tầm soát trong dân cư để đánh giá mức độ lây nhiễm cộng đồng.
Đến chiều nay, tỉnh đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng công suất 3.600 giường, tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường.
Tỉnh đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực (ICU) chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi 50 giường và đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.
Ông Dương Văn Thái cho biết dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4 tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao.
“Qua kết quả test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao. Song các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng cũng đã trong các khu vực cách ly, phong tỏa nên khó có khả năng lan rộng” – ông Thái nói.
Bắc Giang xin hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để vận hành hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau 3 ngày nữa.
Ông Thái cho biết tỉnh thiếu trang thiết bị y tế và không đủ y bác sĩ chuyên ngành hồi sức; cần được hỗ trợ sinh phẩm, test kit nhanh và vật tư, hóa chất phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.
Được biết tại Bắc Giang có 1.400 nhân viên y tế, sinh viên học sinh, các trường ĐH Y khoa, có lực lượng quân đội, công an tham gia mọi mặt trận chống dịch ở Bắc Giang.
Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang.
Sau lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 27-5, đến nay có gần 26.000 sinh viên, giáo viên các trường y khoa đăng ký sẵn sàng lên đường.
Về điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân nặng, hiện có hai bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đang hỗ trợ Bắc Giang. Sắp tới Bộ Y tế sẽ điều nhân lực chuyên môn từ Bệnh viện Trung ương Huế ra hỗ trợ.
Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ với điều kiện nắng nóng khắc nghiệt 35-37 độ C, trong bộ đồ bảo hộ kín, một số sinh viên bị ngất. Bộ phận thường trực đặc biệt đã chỉ đạo để các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm vào sáng sớm và chiều tối để đảm bảo sức khoẻ cho anh em. Ngay khi Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn báo cáo điều này, Thủ tướng chỉ đạo ngay: Cần chia nhiều ca, xét nghiệm cả đêm.
Báo cáo Thủ tướng về đời sống cho cán bộ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết qua thăm hỏi các đơn vị đều đảm bảo các chế độ ăn uống, tinh thần anh chị em phấn khởi, an tâm hỗ trợ cho Bắc Giang.
Về tiêm vaccine COVID-19, Giám đốc Sở Y tế cho biết trong 2 ngày tỉnh đã tiêm cho khoảng gần 4.500 công nhân, tổng nhu cầu công nhân và người lao động cần tiêm phòng là 100.000 người.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến trong 7-10 ngày sẽ tiêm xong cho các trường hợp này, Bộ phận thường trực đặc biệt đã lên kế hoạch chi tiết, phân từng địa phương trong tỉnh. Nếu thiếu nhân lực tiêm vaccine, Bộ Y tế sẽ điều chuyển 1.000 sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn và sẵn sàng lên đường.