Thủ tướng ra công điện phòng chống sốt xuất huyết

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất.

Đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Số người mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng 

Tại cuộc họp báo sáng 11-9 về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dịch bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra tại 50 tỉnh, TP trong cả nước. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, trong đó đã có 18 trường hợp tử vong. Theo ông Phu mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh sốt xuất huyết thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2014, năm 2015 số người mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.

Ông Phu cũng cho biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết kháng hóa chất mà cơ quan chức năng phun phòng bệnh. Tuy nhiên, các địa phương không có bệnh nhân sốt xuất huyết cũng không nên chủ quan với tình hình dịch bệnh vì người bệnh sốt xuất huyết có thể mang virus gây bệnh đến khi giao lưu, đi lại giữa các địa phương.

"Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt" - ông Phu khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm