Ngày 31-12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thủ tướng Chính Phủ vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2023 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế bốn chuyên sâu.
Sẽ có ba quận
Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc trung ương với chín đơn vị hành chính gồm hai quận (trong đó TP Huế chia thành quận phía Bắc Sông Hương và quận phía Nam Sông Hương), ba thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền) và bốn huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xác định ba trung tâm đô thị gồm TP Huế (quận phía Bắc Sông Hương, quận phía Nam Sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.
Trong đó quận phía Bắc Sông Hương, quận phía Nam Sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.
Đô thị vùng Tây Bắc gồm: thị xã Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh.
Đây là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Đô thị Vùng Đông Nam gồm: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một TP thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng. Cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Ba hành lang kinh tế, ba trung tâm động lực
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với Quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), Quốc lộ 49B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.
Hành lang kinh tế Đông – Tây là kết nối liên thông ba Cụm Cảng biển phía Đông (Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với hai cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan.
Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng. Trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại hướng đô thị biển. Kết nối TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.
Ba trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xây dựng trở thành cảng container, cảng du lịch. Là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia. Cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong khu kinh tế.
Phát triển khu công nghiệp Phong Điền hình thành đô thị công nghiệp phía Bắc kết nối với tỉnh Quảng Trị. Xây dựng trung tâm phát triển ngành dệt may, phát triển công nghiệp thời trang; công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, hóa dầu...Các nhà máy trong khu công nghiệp được định hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm.