Ngày 7-5, khách hàng của Eximbank cho biết vừa nhận được thông báo trừ phí giao dịch qua Internet Banking 11.000 đồng/tháng. Trước đó, Eximbank thu phí dịch vụ này theo năm. Như vậy mỗi tháng, chủ thẻ ATM của Eximbank sẽ phải đóng phí SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking tổng cộng 33.000 đồng nếu có sử dụng dịch vụ.
Agribank cũng thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.100 lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế VAT) từ ngày 12-5. Bên cạnh đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng được ngân hàng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Không chỉ tăng phí với khách hàng cá nhân, Ngân hàng VIB còn tăng phí với các doanh nghiệp mà tài khoản không phát sinh nhiều giao dịch tại ngân hàng này. Mức phí SMS tăng gấp 4 lần, từ 50.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng.
Cách đây hai tháng, Vietcombank cũng hai lần điều chỉnh các loại phí như SMS Banking lên 11.000 đồng/tháng, phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng là 5.500 đồng/tháng.
Thậm chí, khách hàng còn cảm thấy bấn loạn trước "rừng phí". Đơn cử như tại Techcombank, trong số hơn 180 khoản phí phải thu đối với các loại thẻ mà ngân hàng này đưa ra, hiện chỉ có 16 khoản phí được miễn phí nhưng chỉ áp dụng với các điều kiện rất khắt khe.
Để mở một chiếc thẻ ATM của Techcombank, khách hàng phải chi ra 110.000 đồng đối với phí phát hành thẻ lần đầu, cộng thêm số dư tối thiểu cần có trong thẻ là 50.000 đồng. Đó là chưa kể dịch vụ báo thay đổi số dư tài khoản 9.900 đồng/tháng, phí quản lý tài khoản 10.980 đồng/tháng… Như vậy, để mở thẻ và duy trì thẻ ATM tại Techcombank, khách hàng phải tốn ít nhất 180.000 đồng.
Trong khi khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí vì tính ra rất nhiều loại phí thì phía các ngân hàng giải thích việc tăng phí là để bù đắp các chi phí đầu tư, trong khi đại diện Hội Thẻ ngân hàng khẳng định mức thu phí này vẫn thấp hơn chi phí để duy trì, bảo dưỡng máy ATM.
Trước thông tin một số ngân hàng gần đây đồng loạt tăng phí dịch vụ, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho hay chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu.
Ông Tuấn dẫn số liệu cụ thể: Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hóa dịch vụ. Chính thực tế này đã dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.