Thường trực Ban bí thư: Đánh giá cán bộ phải thực chất, khách quan

(PLO)- “Vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa mà trước đó đều được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?” - Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 1,5 ngày làm việc, sáng 22-7, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII đã bế mạc.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhiều cán bộ ra tòa trước đó đều hoàn thành tốt nhiệm vụ

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đặc biệt nhấn mạnh đến Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Ông cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng, cần có sự thẳng thắn, tính đột phá trong một số khâu.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị cần tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng sao cho thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

“Vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa mà trước đó đều được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?” - ông đặt vấn đề và cho rằng để khắc phục việc này rất khó. Ông cũng cho rằng cần phát huy vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng Đảng.

“Chúng ta nói nhiều câu rất hay như “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, “dựa vào dân để chống tham nhũng, tiêu cực”, “dựa vào dân để lựa chọn cán bộ”… với rất nhiều văn bản, nghị quyết nhưng vai trò trong thực tế của các tổ chức này như thế nào?” - ông Thưởng phân tích.

Theo Thường trực Ban bí thư, khi đưa nghị quyết vào cuộc sống dù đã bàn rất kỹ nhưng trong quá trình thực hiện đôi khi “thấy khó lại hay chùn chân, hay để lại”.

Ông cũng nhìn nhận nhiều tỉnh, thành có một phó bí thư phụ trách xây dựng Đảng nhưng lại phân công nhiệm vụ không đúng. Có người được phân làm nội chính, làm cải cách tư pháp, thậm chí còn phân công “phụ trách trung ương, chạy lên chạy xuống xin cái này cái kia, báo cáo này nọ”. Trong khi đó, rất nhiều vấn đề về xây dựng Đảng, phương thức lãnh đạo, đánh giá tổ chức cơ sở đảng, đánh giá cán bộ thế nào cho đúng… chưa được đảm bảo.

“Vừa rồi tôi đề nghị đối với những tỉnh có phó bí thư phụ trách xây dựng Đảng nếu không giải quyết được những bài toán đó, cần thiết thì báo cáo trung ương không phân công nữa, rút về cho làm việc khác” - ông Thưởng nhấn mạnh.

Khi tôi về làm bí thư Quận ủy quận 12, TP.HCM thì địa phương có nhiều khiếu kiện, khiếu nại lắm nhưng tỉ lệ đảng viên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến 94%. Qua một năm làm việc, tôi nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ đánh giá thì tỉ lệ chỉ còn có 30%. Tuy nhiên, khi đó tôi lại trở thành đối tượng phải đi báo cáo, giải trình vì tôi làm chuyện gì đến mức tỉ lệ cán bộ đảng viên xếp loại xuất sắc từ 94% chỉ còn 30%.

Thường trực Ban bí thư
VÕ VĂN THƯỞNG

Khâu thực hiện thấy khó thì hay chùn chân

Để các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đi vào cuộc sống, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện.

Ông dẫn chứng trong nghị quyết nhiều nhiệm kỳ liền đều nói rằng tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Dẫn lời Tổng bí thư có lần ví von “hay thì thật là hay, xem ra thực hiện thì trăm bề khó khăn”, ông Thưởng nhìn nhận nghị quyết thì rất hay rồi, khi làm cũng bàn rất kỹ nhưng trong quá trình thực hiện đôi khi “thấy khó lại hay chùn chân, hay để lại”.

Ông đề nghị trong quá trình thực hiện nghị quyết cần sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu.

Ông còn đề nghị phải khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung bốn nghị quyết của trung ương, hoàn thành kế hoạch chương trình cụ thể, có sự phân công rõ ràng và lộ trình thực hiện sát thực tiễn, khả thi.

Ông Thưởng nêu vấn đề là làm kế hoạch, thực hiện như thế nào để khắc phục tối đa tình trạng đẻ ra phiên bản nghị quyết mới. “Viết ra một chương trình, kế hoạch hành động na ná như nghị quyết, đọc thấy rất hay nhưng cuối cùng làm cái gì, bao giờ xong, ai làm thước đo… thì lại ít thể hiện” - Thường trực Ban bí thư nói và yêu cầu phải khắc phục chuyện này.

Sẽ có quy định đảng viên tham gia mạng xã hội

Truyền đạt Nghị quyết 21 trước đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã đi sâu vào bốn nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Bà Trương Thị Mai cho rằng để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng thì việc đầu tiên là đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Bà cho biết sắp tới sẽ có quy định về sinh hoạt đảng ở nơi đặc thù như ở nước ngoài hoặc nơi có dịch bệnh, thiên tai, bão lũ hoặc những nơi có đông đảng viên.

Về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, bà Mai nhìn nhận quy định không thiếu nhưng làm không thực chất, dĩ hòa vi quý. “Lúc nào kiểm điểm cũng lấy người đứng đầu ra kiểm điểm đầu tiên thì có ai dám nói?” - bà đặt vấn đề và cho rằng cần nghiên cứu lại quy trình để khâu đánh giá chất lượng không còn là khâu yếu. Người đứng đầu cần phải gương mẫu, nêu cao trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng và chịu trách nhiệm khi tổ chức đảng nơi mình đang sinh hoạt yếu kém, xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, bà Trương Thị Mai đề nghị tăng cường công tác quản lý đảng viên bởi vừa qua một số nơi làm không tốt. Theo bà, cần quản lý nhất là về chính trị tư tưởng, về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên Internet, mạng xã hội, đảng viên ở ngoài nước và đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động...

“Sắp tới sẽ có quy định đảng viên lập, sử dụng các trang thông tin trên Internet, mạng xã hội. Từ đó, đảng viên biết mình tham gia vào cái này thì khuôn khổ tới đâu, cái gì cần có trách nhiệm, cái gì là không được. Khi đã tham gia thì phải đúng quy định pháp luật” - bà Mai nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm