Trả lời báo chí ngày 19-11, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), khẳng định “thủy điện không có khả năng tăng lũ” hoặc “chưa có thủy điện nào xả không đúng quy trình”... Tôi xin có vài ý kiến trao đổi lại.
Ông Vinh nói các thủy điện đã làm đúng quy trình. Nhưng ai làm ra quy trình đó? Các anh ấy chứ ai! Quy trình đó là gì? Một là đủ nước để phát điện và thứ hai là an toàn công trình. Các anh ấy không hề nói trong quy trình đó các hồ chứa phải tham gia cắt lũ và điều tiết lũ ở hạ du. Có nghĩa là các anh ấy cứ đua nhau trữ nước cho đầy hồ cái đã, sau đó nước về bao nhiêu thì xả bấy nhiêu. Nếu vậy thì các anh làm ra quy trình đó để làm gì? Chỉ để phát điện thôi à!
Ông Vinh nói “thủy điện xả nhưng không làm tăng lũ”. Tôi xin trả lời, các hồ chứa thủy điện và cả thủy lợi đang tạo thành những “túi nước” trên thượng nguồn. Thủy điện đã làm thay đổi cả quy luật dòng chảy, gây ra những hậu quả khôn lường. Đáng lý hậu quả đó phải được xem xét trước khi cho làm các dự án thủy điện. Chứ bây giờ khi công trình đã ra đời rồi thì có vận hành liên hồ cũng chẳng qua là gỡ gạc những cái sai đã rồi.
“Thủy điện không có khả năng tăng lũ” nhưng người dân miền Trung vẫn phải gánh chịu những hậu quả như thế này. Ảnh: LÊ PHI
Tuy nhiên, nếu có một sự điều tiết quản lý tốt thì sẽ không có việc nước dồn dập với tốc độ truyền lũ quá nhanh như thế. Tôi không thể hình dung được từ Nông Sơn tới Giao Thủy bây giờ chỉ có bảy tiếng là lũ đã về tới nơi, trong khi trước đây là 14-15 tiếng. Không thể cứ nói theo kiểu “nước về, chúng tôi không xả thì sẽ vỡ đập” hoặc “tôi đầy tôi xả, anh ni đầy anh ni xả” như vậy được. Từng hồ riêng lẻ xả phải khác biệt so với việc các hồ cùng xả một lúc chứ!
Điều kiện tiên quyết của mọi công trình ngăn sông, tạo hồ chứa là phải đảm bảo môi sinh, môi trường xã hội. Đã làm hồ chứa là phải làm cho môi trường tốt hơn. Nhưng hiện nay nhiều thủy điện mùa khô lại chuyển dòng từ nơi này sang nơi khác làm cho dòng sông bị cùng kiệt. Như vậy đã thấy rõ vấn đề rồi, còn gì phải nói thêm nữa.
Những người phát biểu thay mặt cho một bộ, ngành thì phải hết sức cẩn trọng. Anh phải thấy được những sự tàn phá do lũ lụt mà người dân đang gánh chịu, trong đó có sự tác động của các công trình thủy điện. Anh cũng phải thông cảm với người dân, phải hiểu được nỗi khổ của dân. Dân rất cần anh chỉ ra được chỗ nào cần phải khắc phục, chỗ nào cần rút kinh nghiệm và sắp tới sẽ làm thế nào chứ không chỉ đổ lỗi cho ông trời hay cho địa phương.
Khi trả lời trước QH, tôi thấy ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, dùng tới sáu chữ “chúng ta” trong một đoạn rất ngắn và kết luận: “Khuyết điểm, trách nhiệm là tại chúng ta”. Chữ “chúng ta” đó là chả có ai chịu trách nhiệm cả. Đó là điều không chấp nhận được.
LÊ TRÍ TẬP, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
LÊ PHI lược ghi
Nếu làm hết trách nhiệm thì không có vấn đề gì! Đó là quan điểm của ông Đỗ Quang Vinh (ảnh), Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 19-11. . Phóng viên: Trong trận lũ vừa qua, người dân và chính quyền một số tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên cho rằng do thủy điện xả lũ không theo quy trình, bất ngờ khiến họ trở tay không kịp? + Ông Đỗ Quang Vinh: Theo tôi, kết luận lũ do thủy điện xả nước là chưa thỏa đáng. Quy trình vận hành đã có theo khung quy định nhưng để vận hành linh hoạt thì cần nhiều cơ quan phối hợp. Các công trình thủy điện lớn do Bộ quản lý đều cập nhật số liệu liên tục và theo quy chuẩn, không thể có chuyện “ma mãnh” trong chỉnh sửa số liệu, báo cáo láo được. Chưa có nơi nào xả không đúng quy trình cả! . Vì sao nhiều thủy điện không có hồ chứa dự phòng, dẫn đến buộc phải xả lũ để tránh vỡ đập? + Miền Trung có địa hình dốc lớn nên nếu làm hồ dự phòng thì cần đến hồ dung tích lớn để đón dòng chảy cực nhanh của sông suối. Khi đó chi phí đầu tư sẽ tăng thêm 3-4 lần, hiệu quả giảm đi. . Lũ lụt miền Trung là câu chuyện năm nào cũng diễn ra, tại sao cơ quan quản lý không có biện pháp ứng phó hiệu quả? + Thiên tai là do trời nên chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó. Một số ĐBQH nêu quan điểm loại bỏ dự án thủy điện, kể cả công trình đang vận hành nhưng các ĐB cũng phải có trách nhiệm giám sát địa phương. Tại sao các ĐB không kêu gọi, triệu tập những lãnh đạo địa phương ngồi lại để thống nhất phương án, đề xuất hướng giải quyết ngay tại địa phương mình về vận hành, quy trình xử lý hồ thủy điện… Các công trình thủy điện nằm trên địa phương thì vai trò của chính quyền rất lớn, sao cứ thấy bất cập là đưa lên Bộ? Rõ ràng thủy điện đều có ảnh hưởng nhất định, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên tình hình thực tế như thế, mưa năm nào cũng có, dựa trên cơ sở quan trắc, các ban ngành cần phối hợp với nhau. Bản thân Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục rà soát để loại bỏ các dự án thủy điện thiếu hiệu quả. . Nói như vậy, trách nhiệm chính ở đây là của địa phương? + Địa phương phải mời các chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp. Địa phương nào làm mạnh điều đó thì sẽ giải quyết nhịp nhàng. Một số địa phương khoán trắng cho nhà máy thủy điện là không được. Thủy điện gồm thủy điện đơn và thủy điện bậc thang vận hành liên hồ. Các công trình liên hồ đều có tín hiệu phối hợp nhịp nhàng, còn công trình đơn sẽ có những bất cập. . Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc quản lý, điều hành lĩnh vực thủy điện tới đâu? + Theo tôi, cơ quan chức năng địa phương cứ bám các văn bản quy định của Nhà nước về thủy điện, vận hành hồ chứa. Nếu bám văn bản 90% là thành công. Trách nhiệm không thể nói chung chung, trách nhiệm đầu tiên là đơn vị vận hành công trình. Tiếp đến là cơ quan cấp phép, trách nhiệm gắn với khâu quản lý. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhưng thực thi là ở cấp dưới. Nếu các khâu làm hết trách nhiệm thì không có vấn đề gì! . Xin cảm ơn ông. TRÀ PHƯƠNG thực hiện Còn 1.200 hồ đập có vấn đề Trong phiên chất vấn sáng 19-11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Hiện cả nước có 6.800 hồ đập thủy lợi, trong đó có 1.200 hồ đập cần phải được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa với kinh phí dự kiến 3.000 tỉ đồng”. Chưa hài lòng với trả lời trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Bộ trưởng Phát phải khẳng định liệu 1.200 đập đó có vỡ không? Nếu chưa đủ tiền để sửa chữa thì cũng phải bảo đảm là không vỡ chứ? Nếu chưa có tiền thì phải báo cáo CP, báo cáo QH để tính. Được mời phát biểu về việc xây nhà chống lũ bão, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay đang thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà an toàn để chống mưa lũ ở miền Trung. Ngoài ra, Bộ chuẩn bị cử một đoàn công tác sang Philippines để nghiên cứu về cơn bão vừa rồi ảnh hưởng như thế nào đến các công trình xây dựng. Từ đó, sẽ có những giải pháp rất cụ thể về xây dựng để ứng phó với những cơn bão có thể xảy ra trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay. THÀNH VĂN |
Không thể vì cái nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn Dư luận cho rằng lũ chồng lũ là nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện, vậy tôi hỏi bộ trưởng Bộ Công Thương chỗ này như thế nào? Theo tôi, phải ra một quy định trước khi có bão hay áp thấp nhiệt đới thì phải xả hết nước đi tăng dung tích hồ chứa lên. Chứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỉ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa là không chấp nhận được. Anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng. Không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy. ĐB Đỗ VĂN ĐƯƠNG, TP.HCM Phải làm một vài vụ cho nghiêm Theo Bộ TN&MT, mỗi năm thiệt hại do bão lũ, thiên tai gây ra chiếm khoảng 1/5 GDP. Số tiền này có thể thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Vì thế, cử tri kiến nghị QH, CP cần có giải pháp căn cơ. Theo tôi, thứ nhất cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi thường xuyên bị bão lũ gắn với xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, phải quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi. Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Phải làm một vài vụ cho nghiêm không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý. ĐB NGUYỄN VĂN PHÚC, Hà Tĩnh Nghĩa Nhân ghi |