Tiếc thương ‘vua vọng cổ’ Viễn Châu

Trưa 1-2-2016, giới nghệ sĩ và công chúng yêu thích cải lương bàng hoàng, tiếc thương trước tin NSND-soạn giả Viễn Châu đã ra đi. Bởi ngoài tài năng được dân chúng phong cho là “vua vọng cổ”, ông còn là một người hiền lành đức độ trong đời thường.

Bệ đỡ của những giọng ca vàng

Cho đến tận bây giờ, từ thị thành cho đến nông thôn, từ miền Nam cho đến miền Trung, miền Bắc đều dễ dàng nghe ai đó nghêu ngao một bài tân cổ giao duyên (TCGD) của soạn giả Viễn Châu. Từ lâu, ông được tôn vinh là  người khai sáng thể loại TCGD. Vậy nhưng có mấy người nhớ rằng thập niên 1960, anh chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Bảy Bá, cũng tức là soạn giả Viễn Châu đã nhận chịu không ít búa rìu dư luận bởi cho ra đời bài TCGD đầu tiên Chàng là ai vào năm 1958. Trên các mặt báo thời ấy thường xuyên có những bài viết chỉ trích  người sáng tác là Viễn Châu cùng với những bài TCGD là lai căng, ghép tân nhạc vào cổ nhạc làm mất gốc cổ nhạc. Vậy nhưng chẳng bao lâu sau, chính thể loại TCGD và cha đẻ của thể loại ấy là Viễn Châu lại chắp cánh cho không biết bao nhiêu giọng ca vàng của cải lương xuất hiện.

Thời đó và cả bây giờ, nhắc đến Út Trà Ôn người ta nhớ bài Tình anh bán chiếu, Tôn Tẫn giả điên. Còn nói về Thanh Nga người ta nhớ bài Lắng tiếng chuông chùa. Hay nói đến Út Bạch Lan người ta nhớ bài Hoa lan trắng. Với giọng ca dài hơi Minh Cảnh ai cũng nhớ đến Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tu là cội phúc, Sầu vương ý nhạc. Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài được nhớ với Hận Kinh Kha, Lệnh Hồ Xung… Rồi những giọng ca Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Hồng Nga, Thanh Kim Huệ... cứ được khán giả nhớ mãi với những bài Dương Quý Phi, Mẹ dạy con, Em bé đánh giày, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Lá trầu xanh, Lan và Điệp, Tâm sự Mộng Cầm, Hàn Mặc Tử, Xuân đất khách, Gánh nước đêm trăng, Áo tình đắp mộ người yêu, Tiếng trống tàn canh… Tất cả bài ca cổ đi vào lòng người ấy đều do Viễn Châu sáng tác bằng cái vốn Nho học và quốc văn ông hấp thu từ nhỏ ở quê nhà Trà Cú, Trà Vinh và cái sự ham đọc sách, ham học hỏi, ham xách đàn đi ngao du bốn phương.

Có lẽ do bản tính hiền lành, nhân hậu nên những bài ca cổ của soạn giả Viễn Châu đều thấm đẫm tình cảm chân thành, sâu lắng, nhẹ nhàng, êm đềm, dễ đi vào lòng người ở lời ca và chất nhạc ở sáng tác của ông với lối văn vần biền ngẫu. Không chỉ vậy, với bản tính hóm hỉnh, dí dỏm, nghịch ngầm của người Nam Bộ, ông còn sáng chế ra thể loại vọng cổ hài với những bài như Đêm tân hôn, Tôi đi làm rể, Ba chàng rể quý, Tư Ếch đi Sài Gòi, Vợ tôi tôi sợ, Văn Hường nể vợ, Tâm sự Văn Hường, Vợ tôi nói tiếng Tây… Nhờ những bài ca cổ này mà nghệ sĩ Văn Hường thành danh mấy mươi năm qua. Sau này có nghệ sĩ Hề Sa, nghệ sĩ Thanh Nam tiếp tục chọn con đường ca vọng cổ hài để khẳng định tên tuổi. Bên cạnh đó ông để lại cho đời khoảng 70 kịch bản cải lương tên tuổi.

Cứ thế, mấy mươi năm qua, không biết bao nhiêu là thế hệ nghệ sĩ cải lương từ lớp Út Trà Ôn, Út Bạch Lan đến lớp Vũ Linh, Thanh Ngân… đều tìm đến ông để đặt bài vọng cổ cho riêng mình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi soạn giả Viễn Châu dịp tết Quý Tỵ 2014. Ảnh: VIỆT DŨNG 

NSND-soạn giả Viễn Châu và GS-TS Trần Văn Khê trên sân khấu Nhà hát TP trong chương trình Làn điệu phương Nam. Ảnh: THANH HIỆP

Soạn giả Viễn Châu. Ảnh: HB

Thủy chung một mối tình

Trong suốt cuộc đời của mình, chẳng bao giờ nghe ai trách phiền soạn giả Viễn Châu. Được tôn xưng vị trí “vua vọng cổ” nhưng ông luôn sống hiền lành, chan hòa với mọi người, mọi nghệ sĩ. Ai đến hỏi chuyện ông đều vui vẻ tiếp chuyện, nghệ sĩ dù lớn hay nhỏ, nổi tiếng hay không đến đặt bài ông đều vui vẻ nhận lời, chẳng mấy khi từ chối nếu không có lý do đặc biệt. Cũng chẳng bao giờ nghe ai than phiền ông đòi tiền tác quyền bài hát quá cao, giá “khủng” như kiểu các nhạc sĩ trẻ có bài ăn khách hiện nay. Có lẽ ông như hiền lành, đức độ như thế nên trong giới nghệ sĩ ai cũng yêu quý, trân trọng ông. Hiếm có một nghệ sĩ-soạn giả nào mà chẳng bao giờ nghe điều tiếng thị phi sau lưng như thế.

Không chỉ thế, soạn giả Viễn Châu còn có một sự đức độ trong đời sống gia đình. Nghệ sĩ, lại là người sáng tác, thường dễ có những rung cảm lãng mạn để viết nên hay bay bướm, đào hoa. Song soạn giả Viễn Châu lại chung thủy và sống đầm ấm, êm đềm đầy tình thương yêu bên vợ suốt cả cuộc đời.

Dù có đi đâu thì Viễn Châu vẫn nghĩ đến chuyện khi nào sẽ về với vợ chứ không sa đà, lo bỏ bà ở nhà một mình. Càng lớn tuổi ông càng quan tâm, thương yêu vợ. Trong cuốn hồi ký của đời mình, soạn giả Viễn Châu đã dành những lời thật đẹp đẽ cho vợ. Ông viết: Trong đời này, nếu không có bà xã, tôi khó mà đủ sức để sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương. Vợ tôi là người đọc bản thảo vừa khô mực, rồi sắp xếp, ghi chú cẩn thận như một thư ký cần mẫn, giúp tôi hoàn thành đúng hẹn đơn đặt hàng cho các hãng dĩa, đoàn hát. Có giai đoạn tôi còn tham gia viết báo, viết truyện nhiều kỳ, rồi cung cấp bài vọng cổ mới cho các tạp chí. Bà nắm hết tất cả “mối mai” để giao nhận và ký nhuận bút… Tất cả hình ảnh phụ nữ trong những bài ca cổ của tôi là nhân ảnh của bà ấy đó. Với tôi, kiếp người dù giàu sang hay khó nhọc, khi đã có được hạnh phúc gia đình và tình yêu chung thủy thì đó chính là kho báu”.

NSND Viễn Châu sinh năm 1924 tại Trà Vinh, tên thật là Huỳnh Trí Bá. 9 giờ sáng 2-2, linh cữu của soạn giả Viễn Châu được đưa sang Nhà tang lễ TP. Lễ động quan diễn ra sáng 4-2, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa.

________________________________

Người viết bài ca cho nghệ sĩ hay nhất

Soạn giả Viễn Châu ra đi là một mất mát quá lớn cho cải lương Việt Nam vì ông là một cây đại thụ to lớn, có rất nhiều công lao, đóng góp cho cải lương. Ông cũng là một người thầy dìu dắt, nâng đỡ cho tôi và nhiều nghệ sĩ khác trong sự nghiệp của mình bằng những bài ca cổ ông viết. Đến tận bây giờ đi đâu cũng có nhiều khán giả yêu cầu tôi ca bài Dương Quý Phi của ông. Biết rằng chuyện sinh tử là vô thường nhưng tôi vô cùng thương tiếc!

Nghệ sĩ BẠCH TUYẾT

Tôi chắc rằng không có một nghệ sĩ cải lương từ già đến trẻ nào mà chưa từng ca bài ca cổ do chú Bảy Viễn Châu viết. Tôi rất tôn trọng, khâm phục một nghệ sĩ như chú. Chú mất đi là một thiệt thòi lớn cho cải lương, mà thiệt thòi nhất là giới trẻ đã không còn có một người viết ca cổ hay, sắc bén như chú.

Nghệ sĩ THANH SANG

Mấy năm nay, tôi thường xuyên đi thăm viếng bác Bảy nên bác vừa nhắm mắt là gia đình cho tôi hay liền. Nghe tin là tôi đến ngay, thấy ông già đi mặt mũi tươi tỉnh, nhẹ nhàng. Người nhà nói sáng đút đồ ăn ổng không ăn mà rất minh mẫn hỏi mấy giờ rồi và nói: “Ba sắp đi rồi!”, tới trưa thì đi nhẹ nhàng vậy đó. Tôi thương ông già viết bài cho tôi từ mấy chục năm nay rồi. Ông đã viết cho tôi bài ca cổ Kiếp cầm ca cách đây mấy năm. Bài hát đi đâu hát lên khán giả cũng thương, cũng khóc. Tôi cũng khóc. Ông già là người viết bài ca cho nghệ sĩ hay nhất, hổng ai hay bằng.

Nghệ sĩ HỒNG NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới