Như PLO đã thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một tiệm vàng tại TP. Vũng Tàu.
Theo đó, tiệm vàng này bị xử phạt 100 triệu đồng do có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là 4 nhẫn vàng đeo tay. Cơ quan chức năng cũng thu giữ tang vật là 4 nhẫn vàng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc đặt câu hỏi: Hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý theo quy định nào và sau khi tiệm vàng đóng tiền phạt thì có được trả lại tang vật bị tịch thu không?
Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết đối với hành vi mua bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, tại Điều 17 Nghị định này quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với người nào thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà hàng hoá có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ càng lớn nếu như giá trị hàng hoá càng lớn, trong đó phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân nào vi phạm mà hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật.
Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trong trường hợp này chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi (80 - 100 triệu đồng nếu hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên).
Cạnh đó theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Nghị định 98/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022) thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Liên quan đến vấn đề cá nhân, tổ chức vi phạm có được trả lại tang vật sau khi đóng phạt hay không thì trong trường hợp này tiệm vàng trên đã bị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật nên tang vật là 4 nhẫn vàng sẽ không được trả lại và sẽ được xử lý theo Nghị định 29/2018.
Theo quy định tại Nghị định 29/2018 thì tang vật, phương tiện bị tịch thu trong vi phạm hành chính là tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Khi đó tài sản sau khi bị tịch thu sẽ được xử lý bằng nhiều phương thức như: nộp vào ngân sách Nhà nước, bán đấu giá...
Nói thêm, LS Bình cho biết, tịch thu tang vật khác với trường hợp tạm giữ tang vật vi phạm hành chính. Tạm giữ tang vật là một trong chín biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Tạm giữ được áp dụng trong trường hợp để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt...
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính thì sau khi ra quyết định xử phạt hành chính và người vi phạm đã thi hành xong thì phải trả lại tang vật.